Tài chính quốc tế

Trung Quốc kéo dài nhiệm kỳ ông Tập Cận Bình ảnh hưởng thế nào đến nhà đầu tư ngoại?

(VNF) - Đảng Cộng sản Trung quốc đã đề nghị sửa đổi hiến pháp để kéo dài giới hạn nắm quyền với các lãnh đạo, mở đường cho Chủ tịch Cập Tận Bình đảm nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ ba hoặc lâu hơn. Giới phân tích cho rằng đây là một tín hiệu tích cực cho đầu tư ngoại tại Trung Quốc.

Trung Quốc kéo dài nhiệm kỳ ông Tập Cận Bình ảnh hưởng thế nào đến nhà đầu tư ngoại?

Việc Trung Quốc kéo dài nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ảnh hưởng thế nào đến nhà đầu tư ngoại?

Trước thông tin Trung Quốc dự định thay đổi Hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình, giới đầu tư đã có những phản ứng tích cực. Sự ổn định chính trị rất có lợi cho nền kinh tế khi các chính sách như giải quyết nợ công, bảo vệ môi trường dài hạn được thực hiện bởi một nhà lãnh đạo.

Nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình bắt đầu từ năm 2013, và là một trong những thời kì mà kinh tế Trung Quốc ở mức tương đối ổn định. Tuy nhiên, cũng tồn tại những giai đoạn biến động trên thị trường tài chính, cần đến sự can thiệp của chính phủ. Thách thức bao trùm, bao gồm khoản nợ công khổng lồ, tốc độ tăng trưởng kinh tế chững lại và dân số già hóa,…

Arthur Kroeber, đồng sáng lập Gavekal Dragonomics ở Bắc Kinh, cho biết từ góc nhìn của nhà đầu tư, quyền lực tập trung trong tay ông Tập sẽ có ảnh hưởng tích cực. "Tuy nhiên, nguy cơ dài hạn của việc này có thể là sự thiếu tính khách quan khi một nhà lãnh đạo tại nhiệm quá lâu, dần dần dẫn tới sự suy giảm chất lượng của các quyết định", Kroeber nói.

Mặc dù đề xuất này không hề đáng ngạc nhiên nhưng nó đánh dấu một bước chuyển mình chính thức từ những quy định cũ về vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đề xuất được công bố hôm chủ nhật (25/2), một tuần trước phiên họp Quốc hội.

Đồng CNY đã tăng giá 0,5% vào ngày thứ hai, cùng với việc đồng USD tiếp tục giảm làm tỷ giá USD/CNY giảm mạnh. Chỉ số Shanghai Composite Index tăng 1,2% - mức tăng điểm thứ sáu liên tiếp trong thời gian qua.

Thị trường dưới thời ông Tập Cận Bình: Vẫn tồn tại bất ổn, cần đến sự can thiệp của chính phủ

Raymond Yeung và Betty Wang, các nhà kinh tế tại Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand, đã viết trong một báo cáo: "Đề xuất sửa đổi Hiến pháp sẽ định hình tất cả các chính sách kinh tế trong thập kỉ tới, bao gồm chính sách tài khóa và tiền tệ. Tăng trưởng tiền lương, ổn định tài chính và môi trường sẽ là các mối quan tâm chính của Trung Quốc, thậm chí còn hơn tăng trưởng GDP hàng năm".

Ken Cheung, chuyên gia chiến lược tiền tệ châu Á tại Mizuho Bank Ltd (Hongkong) cũng đồng tình với ý kiến củng cố quyền lực cho ông Tập sẽ có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, ông vẫn bày tỏ lo ngại: "Sự thay đổi lãnh đạo từ tập thể sang lãnh đạo cá nhân và thiếu hệ thống minh bạch trong chuyển đổi quyền lực có thể làm tăng rủi ro chính trị. Điều này có thể làm giảm niềm tin của thị trường đối với đồng CNY trong trung hạn".

Các nhà phân tích tại Everbright Sun Hung Kai Co. gợi ý nhà đầu tư nước ngoài chiến lược tốt nhất là mua cổ phần của các ngân hàng nội địa lớn. Các ngân hàng này hưởng lợi từ khoản tiền gửi lớn, và ít bị ảnh hưởng bởi chính sách phòng ngừa rủi ro của chính phủ.

Trung Quốc vẫn chỉ mới đi được một nửa chặng đường cải cách và chuyển đổi kinh tế, vì vậy đảm bảo sự liên tục của chính sách là rất quan trọng. Việc kéo dài nhiệm kỳ cho ông Tập Cận Bình sẽ đảm bảo sự thống nhất trong cải cách, giải quyết vấn đề nợ công, cũng như các chính sách tài khóa và tiền tệ. Điều đó sẽ giữ nền kinh tế ổn định và thúc đẩy đà thị trường.

Tuy nhiên, không phải là không tồn tại thách thức. Kevin Lai và Olivia Xia - các nhà kinh tế tại Daiwa Capital Markets Hong Kong Ltd., cho rằng quyết định này có thể dẫn đến sự bất ổn chính trị, đỉnh điểm vào giai đoạn từ 2027 – 2032.

Lợi ích của Trung Quốc đang ngày càng trái ngược với các tổ chức bên ngoài. Đà cải cách đã bị đình trệ trong năm năm qua, vì hệ tư tưởng của trung ương thường xung đột với các ý tưởng từ phía thị trường. Trung Quốc sẽ cần cân nhắc kỹ quyết định này để có thể tránh gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng.

>>> Xem thêm: Tin forex mới nhất 2018

Tin mới lên