Tài chính quốc tế

Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng gây sức ép vô căn cứ lên doanh nghiệp

(VNF) - Trung Quốc kêu gọi chính quyền Mỹ chấm dứt việc gây sức ép vô căn cứ lên các doanh nghiệp nước này trong bối cảnh hãng tin Reuters mới dây dẫn thông tin cho biết Washington có khả năng sẽ áp đặt trừng phạt đối với một loạt các công ty được cho là thuộc quyền kiểm soát hoặc sở hữu của quân đội Trung Quốc.

Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng gây sức ép vô căn cứ lên doanh nghiệp

Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc quân đội Trung Quốc “sở hữu hoặc quản lý” loạt tập đoàn công nghệ lớn của nước này, trong đó có Huawei.

"Liên quan đến sức ép vô căn cứ mà phía Mỹ đang gây ra cho các doanh nghiệp Trung Quốc, chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ quan điểm của mình. Chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng Mỹ luôn viện dẫn khái niệm tổng quát về an ninh quốc gia, lạm dụng quyền lực nhà nước để gây sức ép đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, tất cả những điều này đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế thị trường mà Mỹ luôn ca tụng. Trung Quốc bày tỏ sự phản đối kiên quyết chống lại điều này", hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố của cơ quan phụ trách báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng "Bắc Kinh kêu gọi Mỹ chấm dứt gây sức ép một cách vô căn cứ lên các công ty Trung Quốc, cũng như đảm bảo tạo điều kiện trung thực, công bằng và không phân biệt đối xử để các công ty Trung Quốc tại Mỹ có thể hoạt động bình thường".

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi hãng tin Reuters ngày 24/6 dẫn một tài liệu đáng tin cậy cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc quân đội Trung Quốc “sở hữu hoặc quản lý” loạt tập đoàn công nghệ lớn của nước này.

Tài liệu trên đã liệt kê 20 công ty đang hoạt động ở Mỹ mà Washington cáo buộc là được quân đội Trung Quốc hậu thuẫn, trong đó có hai nhà mạng lớn của Trung Quốc là China Mobile và China Telecom cùng nhà sản xuất máy bay Aviation Industry Corp (AVIC).  

Nổi bật trong danh sách này là tập đoàn viễn thông Huawei, từng bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại kể từ tháng 5/2019 vì bị nghi ngờ có khả năng gây hại tới an ninh quốc gia Mỹ. Do đó, các công ty Mỹ đã bị cấm cung cấp cho Huawei các sản phẩm và phần mềm nếu không có giấy phép đặc biệt từ Bộ Thương mại.

Căn cứ theo đạo luật được thông qua từ năm 1999, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thống kê danh sách gồm các công ty quân đội Trung Quốc đang hoạt động tại Mỹ. Đây là các doanh nghiệp được “sở hữu hoặc kiểm soát” bởi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, chuyên cung cấp các dịch vụ thương mại, sản xuất hoặc xuất khẩu.

Việc chỉ định của Lầu Năm Góc không kích hoạt lệnh trừng phạt nhưng đạo luật trên quy định Tổng thống có thể áp các lệnh trừng phạt, trong đó bao gồm việc phong tỏa tất cả tài sản của các bên được liệt kê trong danh sách này.

Hồi tháng 10/2019, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã đưa 28 tập đoàn và tổ chức nhà nước của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt do cáo buộc liên quan tới hoạt động giám sát người Duy Ngô Nhĩ ở Khu tự trị Tân Cương (phía Tây Bắc Trung Quốc), trong đó có những công ty phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu như Hikvision, Megvii, SenseTime và Dahua.

Ở động thái liên quan mới nhất, tờ Wall Street Journal (WSJ) mới đây dẫn nguồn những tài liệu mà báo này có được cho biết chính quyền Mỹ đang cố gắng thuyết phục chính phủ các nước châu Âu chấm dứt sử dụng thiết bị giám sát của công ty Nuctech Co., một công ty chuyên sản xuất các hệ thống máy quét sàng lọc để kiểm tra hàng hóa, hành lý và hành khách tại các cảng biển, sân bay và các trạm kiểm soát biên giới trên toàn châu Âu.

Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/5, các quan chức nước này lo ngại rằng Nuctech có thể chuyển dữ liệu cá nhân và thông tin thương mại cho chính quyền Trung Quốc.

Ngoài ra, tài liệu nêu rõ rằng công ty này tạo ra nguy cơ đối với sự an toàn của công dân và việc vận chuyển hàng hóa quân sự giữa các nước thành viên NATO với nhau.

Chuyên gia Cui Lei thuộc Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) cho rằng việc Mỹ đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen thương mại không phải là một quyết định tự phát mà là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm kiềm chế sự phát triển công nghệ của Bắc Kinh.

Xem thêm >> Đàm phán bế tắc, EU cảnh báo hạn chế đầu tư từ Trung Quốc

Tin mới lên