Tài chính quốc tế

Trung Quốc muốn WHO điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 ở Mỹ

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết thúc nhiệm vụ điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 ở Vũ Hán, giới chức Trung Quốc tỏ rõ họ muốn nhóm chuyên gia tiếp tục điều tra ở Mỹ.

Trung Quốc muốn WHO điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 ở Mỹ

Trung Quốc tỏ rõ họ muốn nhóm chuyên gia tiếp tục điều tra nguồn gốc virus SARS-CoV-2 ở Mỹ. Ảnh: Getty Images

"Chúng tôi hy vọng sau Trung Quốc, phía Mỹ sẽ hành động một cách tích cực, dựa trên cơ sở khoa học và hợp tác trong vấn đề truy xuất nguồn gốc và mời các chuyên gia của WHO tới để tham gia nghiên cứu tìm hiểu nguồn gốc đại dịch", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết.

Trong khi đó, ông Zeng Guang, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, cho biết Mỹ hiện nên là "trọng tâm" của các nỗ lực truy tìm virus SARS-CoV-2 toàn cầu.

Theo kênh CNN (Mỹ), việc giới chức Trung Quốc chỉ ra Mỹ trong cuộc thảo luận về nguồn gốc của virus ban đầu có thể khiến nhiều người khó hiểu. Ông Zeng đã đưa ra một giả thuyết về Fort Detrick - một phòng thí nghiệm nghiên cứu y sinh của quân đội Mỹ ở bang Maryland. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng để chứng minh giả thuyết này.

"Mỹ có các phòng thí nghiệm sinh học trên khắp thế giới", ông Guang bình luận trên một trang web có trụ sở tại Thượng Hải trong một cuộc phỏng vấn. "Tại sao Mỹ có nhiều phòng thí nghiệm như vậy? Mục đích của việc này là gì? Trong nhiều vấn đề, Mỹ luôn yêu cầu các quốc gia khác phải công khai và minh bạch. Trên thực tế, chính Mỹ lại thường xuyên không rõ ràng nhất".

Trước đó, đã có nhiều giả thuyết cho rằng virus SARS-COV-2 có thể xuất hiện từ một phòng thí nghiệm và do con người tạo ra. Một cuộc khảo sát doTrung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện hồi tháng 4/2020 cho thấy khoảng 30% người Mỹ tin rằng virus được tạo ra từ phòng thí nghiệm, hầu hết những người này cho rằng nó được tạo ra có chủ ý.

Các thành viên đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tới Viện virus ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, ngày 3/2/2021. 

Cùng khoảng thời gian đó, các thành viên hàng đầu của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là Mike Pompeo, đã khẳng định khẳng định có 'bằng chứng lớn' cho thấy Viện Virus Vũ Hán là nơi bắt nguồn của virus SARS-CoV-2. Ông cho rằng rằng nó có thể thoát ra ngoài, hoặc thậm chí cố tình được thả ra khỏi phòng thí nghiệm.

Tuyên bố này ngay lập tức đã bị Trung Quốc phản đối gay gắt. Các nhà khoa học hàng đầu nghiên cứu về loại virus này cũng kịch liệt bác bỏ tuyên bố trên. Sau khi điều tra phòng thí nghiệm vào đầu tháng này, nhóm thanh sát viên của WHO cũng đã phủ nhận giả thuyết virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm.  

Hôm 9/2, nhóm thanh sát của của WHO và Trung Quốc đã kết thúc nhiệm vụ của họ tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc và không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào về nguồn gốc của đại dịch thế kỷ.

“Không có dấu hiệu cho thấy SARS-CoV-2 lây lan trong dân Vũ Hán trước tháng 12/2019. Cũng không có đủ bằng chứng cho thấy liệu virus này đã lây lan đáng kể ở Vũ Hán trước thời gian đó hay không”, Giáo sư Liang Wannian thuộc nhóm chuyên gia WHO, đồng thời là chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa, phát biểu trong họp báo chiều 9/2. 

Thành viên nhóm điều tra về nguồn gốc virus cũng tiết lộ chưa có đủ bằng chứng, dữ liệu để khẳng định loài động vật nào là vật chủ trung gian lan truyền trực tiếp virus SARS-CoV-2 cho con người.

Cũng theo các chuyên gia của WHO, gần như không có khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm và gây ra đại dịch Covid-19. Ngoài ra, WHO cho biết nhiều ca bệnh có liên quan tới chợ Hoa Nam ở Vũ Hán, có nghĩa là chợ này là một trong những điểm lây lan ban đầu. Tuy nhiên, virus cũng lây lan ở những nơi khác khắp Vũ Hán. Với cơ sở dịch tễ hiện nay, chưa thể xác định được virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào khu chợ này thế nào.

Dịch Covid-19 là một trong những nguyên nhân đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xuống mức thấp nhấp trong nhiều thập niên. Những thuyết âm mưu về nguồn gốc dịch bệnh cùng các cuộc buộc lẫn nhau khiến sự hoài nghi giữa hai quốc gia ngày càng lớn.

Chưa hết, đại dịch cũng khiến số lượng người Mỹ có cái nhìn thiếu thiện cảm với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Một cuộc khảo sát của Pew vào tháng 10 vừa qua cho thấy 73% người Mỹ có quan điểm tiêu cực với Trung Quốc – mức cao nhất kể từ năm 2005.

Tin mới lên