Tài chính quốc tế

Trung Quốc phong toả ‘thủ phủ công nghệ' hơn 17 triệu dân vì ghi nhận 66 ca Covid-19

(VNF) - Thâm Quyến, một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc với 17,5 triệu dân và là nơi có trụ sở của hàng loạt “gã khổng lồ” công nghệ như Huawei và Tencent, đã bị phong toả sau khi phát hiện hơn 60 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày 13/3.

Trung Quốc phong toả ‘thủ phủ công nghệ' hơn 17 triệu dân vì ghi nhận 66 ca Covid-19

Trong khi hầu hết các quốc gia đã linh hoạt chính sách đối phó với đại dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn kiên định với chính sách "zero-Covid".

Ngày 13/3, chính quyền thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đã ban bố lệnh phong tỏa thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 sau khi ghi nhận 66 ca mắc mới ở thành phố này.

Đợt bùng phát dịch tại Thâm Quyến được cho là bắt nguồn từ Hong Kong, khiến thành phố phải mở cuộc xét nghiệm toàn dân và dẫn tới quyết định phong toả toàn thành phố để đảm bảo chính sách “không Covid-19” (Zero Covid) nghiêm ngặt mà Trung Quốc vẫn theo đuổi 2 năm nay.

17,5 triệu cư dân tại Thâm Quyến bị chính quyền yêu cầu ở nhà và sẽ phải trải qua 3 vòng kiểm tra sàng lọc toàn dân, giao thông công cộng cũng bị đình chỉ. Lệnh phong toả sẽ có hiệu lực đến ngày 20/3. Trước đó, thành phố này đã bị đóng cửa khu trung tâm thương mại do số ca nhiễm Covid-19 trong nước tăng gấp đôi trên toàn quốc lên gần 3.400 ca.

Thâm Quyến được gọi là “thủ phủ công nghệ” của Trung Quốc, đồng thời cũng là một trong những đầu mối linh kiện điện tử hàng đầu trên thế giới. Thành phố này là nơi đặt trụ sở của các tập đoàn công nghệ khổng lồ trong nước như Tencent và Huawei, thậm chí được truyền thông ưu ái gọi là “thung lũng Silicon” của Trung Quốc.

Sự gia tăng các ca bệnh trên khắp Trung Quốc cũng đã khiến các nhà chức trách phải đóng cửa các trường học ở Thượng Hải và phong tỏa nhiều thành phố khác ở khu vực đông bắc.

Cát Lâm, thành phố trung tâm của đợt bùng phát ở phía đông bắc, đã bị phong toả một phần vào ngày 12/3, trong khi thành phố Diêm Tân với gần 700.000 dân cư cũng đã “đóng cửa” từ ngày 13/3. Thành phố Trường Xuân lân cận, một cơ sở công nghiệp với 9 triệu dân, đã bị đóng cửa từ ngày 11/3, trong khi ít nhất 3 thành phố nhỏ khác đã bị đóng cửa kể từ đầu tháng.

Theo truyền thông địa phương, thị trưởng Cát Lâm và người đứng đầu ủy ban y tế Trường Xuân đã bị sa thải sau khi các thành phố này đóng cửa bởi gia tăng số ca lây nhiễm Covid-19.

Xem thêm >> 'Giải mã' mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% của Trung Quốc

Tin mới lên