Tài chính quốc tế

Trung Quốc sẽ chịu thiệt nhiều nhất khi USD tăng giá

(VNF) - Một bài viết trên Bloomberg cho hay, Trung Quốc sẽ là quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất khi đồng USD mạnh lên, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thương mại nước này đang sụt giảm nặng nề.

Trung Quốc sẽ chịu thiệt nhiều nhất khi USD tăng giá

Điều này được lý giải là do hầu hết các nước châu Á đều điều hành tỷ giá theo cơ chế cho neo tiền tệ của nước mình vào đồng USD nhằm tăng cường sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, với việc neo đồng nội tệ vào USD thì khi đồng USD tăng lên so với các đồng tiền khác trên thế giới thì đồng nội tệ cũng sẽ tăng giá theo, nhân dân tệ cũng không nằm ngoài khả năng đó. Khi đó, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhiều hơn vì nền kinh tế nước này phụ thuộc lớn vào thương mại xuất nhập khẩu.

Yukon Huang, chuyên gia cao cấp thuộc Chương trình châu Á của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc cho biết: "Việc định giá đồng tiền cao quá mức tại thời điểm khi nền kinh tế đang đi xuống là một điềm xấu".

Theo báo cáo mới được công bố hôm qua, cả xuất và nhập khẩu của Trung Quốc đều tiếp tục suy giảm trong tháng 11. Dự trữ ngoại hối của nước này giảm 87 tỷ USD, cao gấp đôi so với dự báo.

Louis Kuijs - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về kinh tế châu Á tại Oxford Economics nói: "Lực cầu trên toàn cầu còn rất yếu, trong khi hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng những bất lợi do đồng nội tệ mạnh gây nên. Nhiều đồng tiền giảm giá mạnh so với USD, mà đặc biệt là Euro và yên Nhật, đang làm xói mòn khả năng cạnh tranh của Trung Quốc".

Đó là lý do ông Huang và các nhà kinh tế khác, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summer hy vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng việc neo đồng nhân dân tệ vào đồng USD và cho phép phá giá đồng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, với việc làm này, Trung Quốc có thể phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt từ Mỹ, khi một số quan chức nước này phản đối mạnh mẽ việc phá giá nhân dân tệ trong đó có ứng cử viên Tổng thống Mỹ 2016, tỷ phú Donald Trump.

"Trung Quốc đang gặp khó trong vấn đề này", ông Huang nói. "Nếu họ phá giá đồng tiền hơn nữa, họ sẽ bị chĩa mũi nhiều hơn." Tuy nhiên, "Trung Quốc cần phải làm như vậy". Tỷ phú Mỹ Donald Trump đã từng gọi Trung Quốc là "kẻ gây hấn số 1" và cáo buộc Trung Quốc "thao túng tiền tệ", gây khó dễ cho nước Mỹ.

Nền kinh tế Mỹ đã chịu hậu quả nặng nề khi đồng USD tăng giá mạnh vào giữa năm 2014. Khi đó, đồng USD tăng 20% giá trị so với các đồng tiền khác trong giỏ dự trữ ngoại tệ quốc tế, mặc dù chỉ tăng khoảng 3% so với đồng nhân dân tệ. Đồng bạc xanh tăng mạnh đã khiến các công ty của Mỹ kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế, xuất khẩu đã giảm 4,3% trong 10 tháng đầu năm 2014.

Tuy nhiên, Trung Quốc phải đối mặt với những khó khăn gấp nhiều lần so với Mỹ khi đồng USD tăng giá mạnh khi thương mại nước này chiếm tới 42% GDP trong năm ngoái, trong khi tại Mỹ chỉ là 23%.

Theo các nhà kinh tế tại Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), đồng USD tăng 10% thì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tương ứng 1%.

Đồng nhân dân tệ đã tăng gần 15% so với các đồng tiền khác trong giỏ dự trữ ngoại tệ từ giữa năm 2014, theo Westpac Strategy Group. Nhân dân tệ tăng giá khiến Trung Quốc đã đã mất đi khả năng cạnh tranh với các nước như Việt Nam và Thái Lan, các nước có chi phí lao động thấp hơn so với Trung Quốc.

Kết quả của việc đồng nhân dân tệ tăng giá gần đây đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại. GDP của Trung Quốc đang tăng trưởng với mức 6,9% trong quý III, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước đó, mức tăng tệ nhất kể từ đầu năm 2009, do sản xuất và xuất khẩu sụt giảm mạnh.

Việc đồng nhân dân tệ mạnh lên cũng sẽ cản trở nỗ lực của Trung Quốc trong việc thoát khỏi tình trạng giảm phát vì sẽ tạo áp lực lên giá hàng hóa nhập khẩu của nước này. Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc giảm 5,9 % trong tháng 10 so với năm trước, mức giảm 44 tháng liên tiếp.

"Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực giảm phát, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất" nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục được định giá cao so với đồng USD, Xiao Geng, một giáo sư tại Đại học Hồng Kông cho biết. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ tránh chuyện phá giá đồng tiền của mình do lo ngại rằng một động thái như vậy sẽ làm đảo lộn thị trường tài chính mong manh của nước này.

Ngoài ra, đồng USD tăng giá sẽ khiến gánh nợ nước ngoài của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại sẽ càng nặng thêm, khoản nợ nước ngoài bằng USD của các công ty và doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tăng vọt, đồng thời một lượng lớn dòng tài sản bằng USD sẽ tháo chạy khỏi nước này.

Trên thực tế, Trung Quốc không phải là nước duy nhất chịu thiệt hại do việc đồng USD tăng giá mạnh mà là cả châu Á sẽ chịu nhiều thiệt hại trên toàn thế giới với khoản nợ nước ngoài, việc USD đang có đà tăng giá mạnh khiến gánh nặng nợ nước ngoài trên vai châu Á tăng lên đáng kể. 

Ông Stephen Jen, người đồng sáng lập ra quỹ đầu cơ SLJ Macro Partners LLP tại London, cựu chuyên gia kinh tế tại IMF cho biết chính sách hiện nay của Trung Quốc "là không phù hợp và bền vững về lâu dài". Thực hiện đồng thời việc giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng và ngăn chặn sự mất giá của đồng tiền - đang khiến dòng tiền nước này chảy ra nước ngoài với tốc độ chóng mặt - là không thể thực hiện cùng một lúc.

"Họ có thể sẽ phải tiếp tục phá giá nhân dân tệ", Summers, hiện là giáo sư tại Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts nói. "Sẽ không thể có thị trường vốn tương đối mở, kích thích tiền tệ và một đồng tiền ổn định."

Kết thúc phiên giao dịch hôm qua (8/12), đồng nội tệ của Trung Quốc giảm giá 0,14%, xuống còn 6,4172 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức yếu nhất kể từ tháng 8/2011 sau khi Ngân hàng Trung ương nước này hạ tỷ giá tham chiếu 0,15%, xuống còn 6,4078 nhân dân tệ đổi 1 USD, thấp nhất kể từ ngày 27/8 và các số liệu cho thấy cả xuất khẩu và dự trữ ngoại hối đều sụt giảm mạnh hơn so với ước tính ban đầu. 

Tin mới lên