Tài chính quốc tế

Trung Quốc tìm cách hóa giải đòn tấn công của Mỹ vào ngành sản xuất chip bán dẫn

Trong khi thế giới bên ngoài tin rằng Trung Quốc sẽ bị giáng đòn nặng nề, ngành sản xuất chip bán dẫn của nước này dường như vẫn có thể tiếp tục thúc đẩy nâng cấp công nghệ.

Trung Quốc tìm cách hóa giải đòn tấn công của Mỹ vào ngành sản xuất chip bán dẫn

Trụ sở Tập đoàn sản xuất bán dẫn quốc tế (SMIC).

Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng. Lệnh trừng phạt của Mỹ đã được mở rộng từ việc nhắm vào “ông lớn” ngành công nghệ Huawei sang tập đoàn sản xuất chip bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC.

Trên thực tế, một số nhà cung cấp nước ngoài đã ngừng cung cấp cho SMIC. Tuy nhiên, trong khi thế giới bên ngoài tin rằng Trung Quốc sẽ bị giáng đòn nặng nề, ngành sản xuất chip bán dẫn của nước này dường như vẫn có thể tiếp tục thúc đẩy nâng cấp công nghệ, thậm chí là tự chủ về công nghệ, thoát khỏi sự bao vây của Mỹ.

Không thể phủ nhận lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ đã khiến nhiều nhà cung cấp tạm dừng việc cung cấp hàng hóa cho Huawei.

Nhưng đối với SMIC, họ vẫn có thể lách luật, tiếp tục có được chất bán dẫn và các thiết bị sản xuất liên quan, thậm chí còn có thể nội địa hóa công nghệ nước ngoài. Nguyên nhân, theo tờ Nikkei phiên bản tiếng Trung, là do phía Trung Quốc vẫn còn một số biện pháp vòng tránh.

Thứ nhất, thông qua sự hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất chip bán dẫn khác ở trong nước. Hiện nay, Trung Quốc có hơn 1.000 doanh nghiệp mới nổi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn.

Huawei và SMIC dường như vẫn có không gian để nhập khẩu chíp bán dẫn, phần mềm thiết kế và thiết bị chế tạo thông qua các doanh nghiệp này.

Thậm chí, Huawei và SMIC cũng có thể sử dụng kênh trung gian đó để tiến hành nâng cấp công nghệ và mở rộng sản xuất.

Chủ tịch hội đồng quản trị hãng sản xuất chip bán dẫn Synopsys, Aart J. de Geus từng chỉ rõ: “Tại Trung Quốc, (ngoài Huawei) có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất chất bán dẫn đang ra sức mua sắm (phầm mềm thiết kế), hình thành cục diện mua sắm chuyển nhượng rất rõ ở nước này”.

Thứ hai, không phải tất cả các hãng cung cấp đều chịu ràng buộc bởi lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ. Ví dụ: MediaTek, một trong những hãng sản xuất chip bán dẫn lớn nhất vùng lãnh thổ Đài Loan, tuy đã dừng giao dịch với Huawei do lệnh trừng phạt của Mỹ, nhưng doanh thu từ thị trường Mỹ của MediaTek lại rất ít.

Cho nên, không loại trừ khả năng MediaTek chấp nhận rủi ro bị Mỹ trừng phạt để tiếp tục nhận đơn đặt hàng từ Huawei. Ngoài ra, có thể nhận đơn đặt hàng gia công chip bán dẫn cho “khách hàng trung gian” để không phải công khai người sử dụng cuối cùng.

Thứ ba, tận dụng sự chậm trễ của định luật Moore. Định luật Moore được xây dựng bởi Gordon Moore (một trong những sáng lập viên của tập đoàn sản xuất chip máy tính nổi tiếng Intel), đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng bóng bán dẫn trên mỗi đơn vị diện tích (inch vuông) mạch tích hợp sau mỗi 18 tháng tới 2 năm nhằm sử dụng tốc độ phát triển khoa học công nghệ để khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc bắt kịp.

Định luật Moore trở thành động lực kích thích cho ngành công nghiệp điện tử duy trì sự phát triển mạnh mẽ trong hàng thập kỷ qua. Nhưng gần đây, định luật Moore đã có nhiều biểu hiện bị thay đổi và kéo dài dần thời gian tăng đôi số lượng bóng bán dẫn trên mỗi đơn vị diện mạch tích hợp.

Ví dụ, sau khi chip 35 nanomet ra đời vào nửa cuối những năm 2000, thế giới ngày một khó khăn hơn trong việc thu nhỏ mạch tích hợp khắc trên đế silicon của con chip.

Trong bối cảnh đó, sự chậm trễ trong việc thực hiện bước tiến công nghệ sản xuất chip bán dẫn thế giới giúp Trung Quốc có thêm thời gian để bắt kịp.

Một lợi thế khác cho Trung Quốc là do gặp khó khăn trong việc thu nhỏ mạch tích hợp khắc trên đế silicon của con chip, các nhà nghiên cứu đang thúc đẩy ứng dụng chip 3 chiều.

Công nghệ hiện nay có thể xếp chồng 128 lớp mạch lên nhau và do có nhiều không gian, cho nên, thay vì sử dụng mạch có kích cỡ 16 nanomet, người ta có thể sử dụng mạch có kích cỡ từ 20 đến 30 nanomet.

Máy khắc tia cực tím của hãng ASML (Hà Lan) sử dụng công nghệ của hãng Nikon hoặc Canon (Nhật Bản) có thể làm được điều đó.

Trong khi đó, Nikon và Canon không chịu hạn chế bởi lệnh trừng phạt của Mỹ, như vậy, Trung Quốc vẫn có thể nhập khẩu máy khắc tia cực tím của hãng ASML để sản xuất con chip 3 chiều.

Quan trọng hơn, thay đổi đã xảy ra trong lĩnh vực sản xuất bộ vi xử lý (CPU) và bộ nhớ ngoài (DRAM), cũng từ thu nhỏ sang 3 chiều.

Hiện nay đã có báo cáo cho thấy Trung Quốc đang cung cấp vốn và thiết bị khắc để sản xuất chip 3 chiều. Dường như, Trung Quốc muốn thông qua kênh này để làm chủ công nghệ sản xuất chip.

Tin mới lên