Bất động sản

Trung tâm công nghiệp phụ trợ mới, chờ sự bứt phá trong 2023

(VNF) - Khu vực Nam Trung Bộ đã và đang trở thành trung tâm mới của các ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần quan trọng cho thành công của lĩnh vực công nghiệp nói chung, qua đó thúc đẩy xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Trung tâm công nghiệp phụ trợ mới, chờ sự bứt phá trong 2023

Cộng hưởng để cùng phát triển

Nằm ở trung điểm của cả nước, Đà Nẵng được xác định là trung tâm kinh tế của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều dự án công nghệ đã đầu tư vào đây nhằm tận dụng lợi thế hạ tầng, nhân lực và thị trường du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Tận dụng lợi thế này, Đà Nẵng đã thu hút được một số dự án lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhưng do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu, vật liệu, máy móc thiết bị nhập khẩu nên giá trị gia tăng thấp, sản lượng không nhiều.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết hiện Đà Nẵng có khoảng 110 doanh nghiệp có khả năng tham gia hoạt động công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu do doanh nghiệp FDI sản xuất để xuất khẩu. Giai đoạn 2021-2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thu hút một số công ty, tập đoàn lớn đầu tư vào để dẫn dắt, chuyển giao công nghệ, sử dụng sản phẩm trung gian tạo tác động lan tỏa phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung xây dựng và đưa vào hoạt động khu công nghiệp hỗ trợ Khu công nghệ cao Đà Nẵng và thu hút đầu tư lĩnh vực này.

Cũng định hình phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ từ sớm, tỉnh Quảng Ngãi có đề án theo từng giai đoạn và tập trung thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất, nơi đặt “đại bản doanh” của ngành công nghiệp lọc hóa dầu; công nghiệp chế tạo cơ khí, luyện cán thép. Không những vậy, nơi đây còn có ngành đóng mới và sửa tàu biển tải trọng lớn, có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp điện khí... Tuy nhiên, cho đến nay, những kỳ vọng thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế, số lượng các nhà sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu, sản phẩm hỗ trợ chưa nhiều, chủ yếu là gia công và bao bì các loại nhưng chất lượng chưa đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Ngãi.

Trước nhu cầu bức thiết về hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ lực, giai đoạn 2020-2025, tỉnh Quảng Ngãi đặt ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung ưu tiên phát triển những ngành hàng và sản phẩm hỗ trợ trực tiếp phục vụ cho ngành lọc hóa dầu; ngành cơ khí chế tạo, sản xuất kim loại; ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, chế biến gỗ, dệt may, đóng tàu và ngành điện khí nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm công nghiệp của tỉnh, từng bước tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng trên “đường chạy” phát triển công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Bình Định và Thừa Thiên-Huế dù đã sớm quy hoạch, đầu tư các KCN lớn thu hút đầu tư loại hình doanh nghiệp này. Tuy nhiên, đến nay, hai địa phương này so với các địa phương khác tỷ lệ công nghiệp hỗ trợ vẫn còn thấp. Bước vào giai đoạn phát triển mới, tỉnh Bình Định đang kêu gọi các doanh nghiệp Đức và Hàn Quốc đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ: Sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hạ tầng cảng biển, hạ tầng khu công nghiệp; năng lượng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản, thương mại dịch vụ, bảo vệ môi trường… đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia ở mức cao hơn trong chuỗi cung ứng và giá trị… qua đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đưa Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung. Trong khi đó, Thừa Thiên-Huế xác định kêu gọi thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may, vật liệu xây dựng, phát triển hậu cần cảng biển…

Dấu ấn Quảng Nam

Trong số các địa phương vùng miền Trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, Quảng Nam nổi lên như một hình mẫu năng động và hiệu quả nhờ có khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai-Trường Hải. Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thu hút một số dự án đầu tư mới với vốn đầu tư lớn đi vào hoạt động, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất phụ tùng và các bộ phận phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô; nguyên vật liệu và phụ liệu, hóa chất phục vụ sản xuất ngành may mặc; linh kiện điện tử phục vụ ngành điện – điện tử.

Về công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, hiện Quảng Nam có khoảng 25 dự án hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 9.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 13.000 lao động, chủ yếu là doanh nghiệp FDI. Các dự án chủ yếu tập trung trong các khu, cụm công nghiệp với các sản phẩm hỗ trợ ngành dệt may như: vải, sợi, hoàn thiện sản phẩm dệt (bao gồm tẩy, nhuộm vải dệt), hồ vải, chỉ, khuy nút, dây kéo, nhãn mác, in các loại hoa văn lên vải, bao bì giấy, nhựa cho ngành may và kim dệt may. Đến nay, đã hình thành KCN hỗ trợ dệt may tại KCN Tam Thăng tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp ngành dệt may.

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, Quảng Nam có khoảng 26 dự án hoạt động tập trung trong các khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký theo dự án là hơn 4.800 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động. Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô với thế mạnh là Tập đoàn THACO là điểm sáng với 7 nhà máy lắp ráp ô tô, trong đó có 2 nhà máy có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Cùng với các nhà máy lắp ráp ô tô, THACO đã đầu tư xây dựng 12 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng trên diện tích 93 ha, với tổng vốn đầu tư là 1.690 tỷ đồng.

Ngoài ra, những năm gần đây Quảng Nam cũng đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp FDI tham gia đầu tư trong lĩnh vực này như một số nhà máy của Hàn Quốc: Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô như CTR Vina với vốn đầu tư 27 triệu USD; nhà máy phụ trợ ô tô bằng đùn chất dẻo với vốn đầu tư 10,3 triệu USD; nhà máy sản xuất vải túi khí của Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam với vốn đầu tư 35 triệu USD; nhà máy sản xuất mô tơ phanh bơm chân không bằng điện tử của xe ô tô với vốn đầu tư 5 triệu USD…

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh hoàn chỉnh các bước cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch và dự kiến trong quý 1/2023, đồ án quy hoạch tỉnh được thông qua để làm căn cứ thực hiện. Trong đồ án quy hoạch lần này, sẽ đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, có thế mạnh của tỉnh và lan tỏa cho cả vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Bao gồm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất các ngành công nghiệp, như dệt may, da giày, hóa chất, nông nghiệp công nghệ cao… đáp ứng nguyên liệu đầu vào, tăng tỉ trọng nội địa trong các sản phẩm công nghiệp.
 

Tin mới lên