Tài chính

Trước 17/ 12, Sabeco sẽ đề xuất lộ trình thoái vốn lên Bộ Công Thương

Đây là khẳng định của ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco với phóng viên trong buổi niêm yết cổ phiếu SAB của Sabeco sáng nay (6/12) tại TP.HCM.

Trước 17/ 12, Sabeco sẽ đề xuất lộ trình thoái vốn lên Bộ Công Thương

Sabeco chính thức niêm yết trên HOSE sau 8 năm IPO. Ảnh: Lê Toàn

Cổ phiếu SAB của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chính thức niêm yết 641.281.186 cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá 110.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán niêm yết là 6.412.811.860.000 đồng (Sáu ngàn bốn trăm mười hai tỷ tám trăm mười một triệu tám trăm sáu mươi ngàn đồng).

Trả lời câu hỏi của phóng viên về lộ trình thoái vốn của Sabeco, ông Hà cho biết, Sabeco sẽ cố gắng trong tuần này, chậm nhất là tuần sau sẽ nộp bản báo cáo đề xuất nội dung, thời gian thoái vốn cụ thể với Bộ Công thương.

Với lượng vốn hóa trên 70.000 tỷ đồng, SAB  đã trở thành công tỷ đô, đứng thứ 5 tại HOSE sau Vinamilk, Vietcombank, PV Gas và Vingroup.

"Sabeco có lượng vốn hóa rất lớn, trong đó vốn Nhà nước hiện giữ gần 90%, tương đương khoảng 40.000 tỷ đồng. Do đó, chúng tôi phải đảm bảo quá trình thoái vốn công khai, minh bạch và sớm nhất theo đúng chỉ đạo chủ Thủ tướng Chính phủ. Chậm nhất tuần sau chúng tôi sẽ có báo cáo đến Bở Công thương, tuy nhiên với nhiều công đoạn như mời thầu để thuê tư vấn, xây dựng phương án…rồi mới trình Bộ Công thương để phê duyệt nên có thể quá trình thoái vốn không thể bắt đầu trong 2016", ông Võ Thanh Hà nói.

Tại sao sau 8 năm IPO thì nay Sabeco mới chịu lên sàn chứng khoán, ông Hà chỉ trả lời ngắn gọn: "Thực sự đây là một câu chuyện rất dài".

Có lẽ Sabeco là cái tên thứ hai (sau Vinamilk) được giới đầu tư trong chờ, mong ngóng bởi "con gà đẻ trứng vàng" này đang sở hữu một nền tảng với nhiều lợi thế.

Từ một xưởng sản xuất nhỏ năm 1875, đến nay Sabeco trở thành doanh nghiệp chiếm 45% thị phần thị trường bỏ xa các đối thủ như Heniken Việt Nam ( 25%), Habeco (18%)…

Không chỉ vậy, nếu Heniken Việt Nam chỉ có 5 nhà máy sản xuất bia thì Sabeco sở hữu 24 nhà máy trải dài từ Nam ra Bắc, với tổng công suất khoảng 1,8 tỷ lít/năm, Nổi bật nhất là nhà máy bia Sabeco tại Củ Chi, TP.HCM với công suất khoảng 300 triệu lít/năm, theo lời ông Hà, đây là nhà máy bia hiện đại bậc nhất Đông Nam Á. Không thể phủ nhận, sự phân bổ các nhà máy rộng khắp của Sabeco chính là "chìa khóa" để tiết kiệm tối đa mọi chi phí.

Không dừng tại đó, Sabeco còn có Sabeco Trading đảm nhận phân phối đến 24 tỉnh thành với 31.000 điểm bán lẻ và hàng chục ngàn siêu thị, đại siêu thị.

Năm 2015, tổng sản lượng tiêu thụ Bia Sài Gòn đạt 1,466 tỷ lít các loại. Doanh thu hợp nhất (không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) của Sabeco 11 tháng đầu năm đạt 28.298 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 5.035 tỷ đồng và vượt 13% so với kế hoạch năm 2016. Nếu thoái vốn, chuyện Nhà nước có thể thu về ngân sách hàng tỷ USD là có thật nhưng từ các chuyên gia, đến giới đầu tư đang mong sớm có lộ trình thoái vốn với ngày, giờ, tỷ lệ cụ thể từ phía Chính phủ. Đây sẽ là phép thử quan trọng cho cam kết liêm chính, minh bạch của Chính phủ.

Tin mới lên