Tiêu điểm

Trước trận U22 Việt Nam - U22 Singapore: 'So găng' hai nền kinh tế

(VNF) - Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, GDP bình quân đầu người năm 2018 của Singapore là 61.767 USD/người/năm, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và gấp 24 lần so với Việt Nam.

Trước trận U22 Việt Nam - U22 Singapore: 'So găng' hai nền kinh tế

GDP bình quân đầu người năm 2018 của Singapore là 61,767 USD/người/năm, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo dự báo của ngân hàng DBS, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng từ 6-6,5% trong thập kỷ tới, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh và tăng trưởng năng suất trong những năm tới.

Với tốc độ tăng trưởng này, nhà kinh tế Irvin Seah tại Singapore cũng dự đoán nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa.

Tuy nhiên, điều này được cho là chỉ có ý nghĩa về mặt con số bởi diện tích và dân số của Việt Nam lớn hơn nhiều so với Singapore.

Về GDP hiện nay, theo báo cáo của IMF năm 2018, quy mô GDP của Singapore là 350 tỷ USD, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, còn Việt Nam đứng thứ 6 với 241 tỷ USD, thấp hơn gần 110 tỷ USD.

Về GDP bình quân đầu người, Việt Nam đạt 2.546 USD/người/năm, đứng thứ 8 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người năm 2018 của Singapore đạt 61.767 USD/người/năm, cao nhất trong khu vực, gấp đến 24 lần mức thu nhập của người Việt Nam.

Với mức GDP bình quân đầu người này, Singapore cũng đang nằm trong top 10 thế giới những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất.

Được biết, Singapore là một quốc đảo nhỏ, nằm ở khu vực Đông nam châu Á, giữa Malaysia và Indonesia, có tổng diện tích khoảng 700km2, nhỏ hơn so với tỉnh Bắc Ninh (tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam). Dân số của Singapore hiện vào khoảng 5,9 triệu người.

Singapore hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, nước ngọt, nguyên liệu đầu vào đều phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trong nước.

Tuy nhiên, "quốc đảo sư tử" đã vươn lên trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất trên toàn thế giới trong nhiều năm liền. Tổng sản phẩm quốc nội của Singapore đến từ hai ngành chính, đó là ngành công nghiệp (26,6%) và ngành dịch vụ (73,4%). Còn ngành nông nghiệp chỉ chiếm một phần rất nhỏ với các sản phẩm chính như hoa phong lan, rau, gia cầm, trứng, cá cảnh.

Các mặt hàng chính của ngành công nghiệp Singapore là điện tử, hóa chất, thiết bị khoan lọc dầu, chế biến cao su và các sản phẩm từ cao su, thực phẩm chế biến và đồ uống, sửa chữa tàu biển, xây dựng, công nghệ sinh học. Trong đó các sản phẩm máy móc và linh kiện (điện tử viễn thông), dược phẩm và hóa chất, sản phẩm từ dầu mỏ tinh chế đã được xuất khẩu ra nhiều nước.

Bên cạnh đó, Singapore đã xây dựng được hệ thống cơ sở hạ tầng rất thuận tiện bao gồm các cảng biển, hệ thống đường giao thông trên cạn và dưới nước để cạnh tranh với các nước láng giềng trong các hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu. Thành phố hải cảng của Singapore là một trong những nơi bận rộn nhất trên thế giới, vượt xa Hồng Kông và Thượng Hải.

Đặc biệt, Singapore còn có một nền kinh tế thị trường tự do phát triển cao và rất thành công. Người dân Singapore được hưởng một môi trường kinh tế mở cửa đa dạng, lành mạnh và không hề có tham nhũng. Theo Bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2018, quốc đảo này đang nằm trong top 10 các nước trong sạch nhất, đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á.

Mặc dù có nền kinh tế phát triển lớn mạnh nhưng bóng đá của Sigapore trở nên sa sút trong những năm trở lại đây. Trên bảng xếp hạng FIFA, Singapore đang đứng thứ 157.

Tại vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 30 được tổ chức tại Philippines, U22 Singapore là đối thủ thứ 4 của U22 Việt Nam. Trận đấu sẽ diễn ra vào lúc 19h tối nay (3/12) trên sân Rizal Memorial Stadium.

Hiện tại, Việt Nam đang đứng đầu bảng B với 9 điểm sau 3 trận toàn thắng. Trong khi đó, đội tuyển Singapore chỉ mới có 1 điểm sau trận hòa với Lào và 2 thất bại trước Thái Lan và Indonesia.

Tin mới lên