Tiêu điểm

Trưởng Ban chiến lược phát triển EVN: ‘Chúng tôi đã không thu hút được nhân tài lại còn chảy máu chất xám’

(VNF) – Ông Lê Hải Đăng, Trưởng Ban chiến lược phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho hay cơ chế tiền lương của doanh nghiệp nhà nước không đủ hấp dẫn để thu hút được nhân tài, thậm chí còn dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám.

Trưởng Ban chiến lược phát triển EVN: ‘Chúng tôi đã không thu hút được nhân tài lại còn chảy máu chất xám’

Ảnh minh họa

Nói tại hội thảo “Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp nhà nước trong công nghiệp 4.0: thực trạng và kiến nghị chính sách” do CIEM tổ chức mới đây, ông Đăng cho biết cách đây 1 năm, EVN đã phê duyệt đề án nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Đăng nhấn mạnh việc triển khai đề án này xuất phát từ nhu cầu tự thân của EVN chứ không phải do định hướng chính sách.

Qua hơn 1 năm triển khai, ông Đăng thừa nhận EVN đang gặp một số khó khăn. Ví dụ về cơ chế thu hút nhân tài, ông cho biết EVN có một trung tâm thuộc Công ty viễn thông điện lực công nghệ thông tin (EVNIT) hoạt động mạnh về công nghệ thông tin nhưng cơ chế tiền lương bất cập, không thể thu hút được người giỏi.

“Thậm chí, không hút được mà còn chảy máu chất xám, vì bên ngoài có đãi ngộ tốt hơn. Là doanh nghiệp nhà nước nên chúng tôi rất khó đưa ra cơ chế tài chính hấp dẫn cho người tài”, ông Đăng nói.

Chia sẻ cụ thể hơn về các khó khăn mà EVN đang gặp phải khi triển khai đề án ứng dụng công nghệ 4.0, ông Nguyễn Quang Vinh (thuộc Ban chiến lược phát triển – EVN) cho biết tập đoàn này đang gặp vướng mắc trong việc sử dụng quỹ khoa học công nghệ.

“Rất nhiều cơ chế về trích quỹ đã có nhưng sử dụng quỹ này cực khó. Hầu như mọi người không hướng tới sử dụng quỹ này, đặc biệt rất sợ kiểm toán vào…”, ông Vinh cho hay.

Theo ông Vinh, việc ứng dụng công nghệ không phải đơn giản. “Có những công nghệ mới đến nỗi cả thế giới chỉ có 1 nhà cung cấp. Ví dụ, tại nhà máy nhiệt điện duyên hải, họ đang làm việc với công ty Nhật để ứng dụng công nghệ AI nhằm tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng khi triển khai lựa chọn nhà cung cấp thì không làm được vì không có cơ chế nào, mà nếu theo Luật Đấu thầu thì họ không làm được”.

Một khó khăn khác được ông Vinh nêu ra tổ chức bộ máy. EVN hiện đang thiếu trung tâm đào tạo nghiên cứu khoa học. Trước đây, tập đoàn này có những đơn vị như vậy nhưng toàn bộ đã chuyển về Bộ Công Thương.

“EVN không còn bộ phận nghiên cứu nữa nên khi tổ chức làm nhiệm vụ, anh em chỉ làm theo kinh nghiệm, điều này dẫn đến sản phẩm đưa ra không được như mong muốn”, ông Vinh nói.

Ông Vinh cho rằng nếu đã chấp nhận thử nghiệm khoa học công nghệ thì phải có cơ chế chấp nhận rủi ro đối với thử nghiệm đó.

“Không thể bắt thử nghiệm khoa học công nghệ phải hiệu quả 100%. Có thể 10 cái thất bại cả 10 hoặc thất bại 9 cái nhưng có 1 cái thành công và 1 cái thành công đó kéo lại 9 cái thất bại kia. Phải chịu như vậy chứ bây giờ cứ đánh đồng quan điểm là nhà nước mất vốn nọ kia thì không ai dám làm cả”, ông Vinh nhấn mạnh và cho hay, “doanh nghiệp nhà nước cực kỳ sợ quan điểm mất vốn đó”.

“Doanh nghiệp nhà nước chúng tôi làm thật nhưng rất sợ. Và tất cả lãnh đạo đều chọn phương án an toàn: chưa có cơ chế chính sách thì chưa dám làm, bởi vì làm sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều thứ”, ông Vinh nói thêm.

Cán bộ PVN: ‘Nhà nước cho rồi nhưng không thể lập quỹ phát triển khoa học công nghệ’

Cùng chia sẻ quan điểm với ông Nguyễn Quang Vinh, một cán bộ thuộc bộ phận khoa học công nghệ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) nói tại hội thảo rằng doanh nghiệp nhà nước đang phải chịu đựng rủi ro khi đầu tư.

“Rủi ro này có nền tảng là chế độ sở hữu của nhà nước. Khi doanh nghiệp nhà nước đầu tư dự án thì luôn bị áp lực phải có lãi, nếu lỗ thì người phê duyệt dự án đối diện rủi ro rất cao về pháp lý. Vì thế, khi làm, chúng tôi phải lựa chọn, cân nhắc. Hiện rất khó có chính sách nào khắc phục được 100% rủi ro trên”, vị đại diện này nói.

Ông cũng cho biết tại PVN, quỹ phát triển khoa học công nghệ rất khó lập (quỹ được lập từ việc trích 3% - 10% lợi nhuận tính thuế của doanh nghiệp – PV).

“Việc trích lập không dễ tí nào. PVN tồn dư quỹ rất lớn, phần đó phải nhập về ngân sách nhà nước, nhưng hiện nay nộp cũng không được. Đây là một khó khăn, thách thức, nhà nước cho rồi nhưng không làm thế nào triển khai được”.

Góp ý về vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, vị cán bộ của PVN cho rằng doanh nghiệp nhà nước có thể dẫn dắt cộng đồng doanh nghiệp nhưng chỉ ở một phạm vi, một lĩnh vực nhất định.

Ông lấy ví dụ Viettel có thể dẫn dắt ở lĩnh vực viễn thông hay PVN ở lĩnh vực dầu khí và nhấn mạnh “Ta nên tập trung vào từng lĩnh vực như vậy chứ không nên dàn trải”.

Tin mới lên