Tài chính quốc tế

Trưởng đoàn điều tra WHO: ‘Bệnh nhân số 0’ có thể là nhân viên Viện Virus học Vũ Hán

(VNF) - Trong một động thái khá bất ngờ, Tiến sĩ Peter Ben Embarek, trưởng phái đoàn điều tra nguồn gốc Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng đến Trung Quốc đầu năm, vừa đưa ra giả thiết bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên có thể là nhân viên của Viện Virus học Vũ Hán.

Trưởng đoàn điều tra WHO: ‘Bệnh nhân số 0’ có thể là nhân viên Viện Virus học Vũ Hán

Tiến sĩ Peter Ben Embarek, trưởng phái đoàn điều tra nguồn gốc Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

“Một nhân viên bị nhiễm bệnh ngoài thực địa trong lúc lấy mẫu trong hang dơi là một trong số các giả thuyết có khả năng. Đó là lúc virus nhảy trực tiếp từ dơi sang người. Trong trường hợp đó, khả năng có thể rơi vào một nhân viên phòng thí nghiệm hơn là một người dân làng ngẫu nhiên, hay một người thường xuyên tiếp xúc với dơi nào đó”, ông Embarek nói trong buổi trả lời phỏng vấn trên đài TV2 của Đan Mạch ngày 12/8.

Tuy nhiên, vị tiến sĩ này cũng thừa nhận nhóm điều tra của WHO đã không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh cho giả thuyết này.

Đây là lần đầu tiên một người trong nhóm điều tra của WHO nêu lên giả thuyết này và nó có nhiều khác biệt so với kết luận trong báo cáo hồi tháng 3. Trong đó, nhóm điều tra chung của WHO và các nhà khoa học Trung Quốc đã nhất trí rằng giả thuyết virus SARS-Cov-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Embarek cho biết ban đầu các nhà khoa học Trung Quốc đã bác giả thuyết nguồn gốc đại dịch liên quan tới phòng thí nghiệm nhưng “chúng tôi đã kiên quyết đưa giả thuyết này vào bởi nó là một phần của toàn bộ vấn đề về nguồn gốc của virus”.

Cũng theo ông Embarek, kết luận “cực kỳ khó xảy ra” này chỉ được bàn đến 48 giờ trước khi nhóm điều tra rời Trung Quốc và được thêm vào báo cáo sau một cuộc đàm phán căng thẳng với các nhà khoa học Trung Quốc.

Cũng theo Tiến sĩ Embarek,  dù các chuyên gia được đến Viện Virus học Vũ Hán (WIV) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của thành phố nhưng không được cung cấp dữ liệu cần thiết để có kết luận chính xác nhất.

Ở động thái liên quan mới nhất, trong một tuyên bố ngày 12/8, WHO đã kêu gọi chính phủ các nước, bao gồm Trung Quốc, hợp tác để đẩy nhanh các nghiên cứu điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.

“Dựa trên những gì đã biết, đợt khảo sát tiếp theo sẽ bao gồm việc nghiên cứu thêm dữ liệu về các trường hợp lây nhiễm ban đầu và các trường hợp có khả năng xảy ra sớm hơn vào năm 2019. Việc tiếp cận dữ liệu là cực kỳ quan trọng cho sự phát triển kiến thức khoa học của chúng ta và không nên bị chính trị hóa dưới bất kỳ hình thức nào”, tuyên bố của WHO nêu rõ.

WHO mong muốn tiếp tục các sứ mệnh trước đây ở Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của SARS-CoV-2.

“Khi xem xét báo cáo về giai đoạn khảo sát đầu tiên, WHO nhận định rằng chưa có đủ bằng chứng khoa học để bác bỏ bất kỳ giả thuyết nào. Cụ thể, để xem xét “giả thuyết virus lọt ra từ phòng thí nghiệm”, điều quan trọng là phải có quyền truy cập vào tất cả dữ liệu, có tính đến kinh nghiệm thực tiễn khoa học tốt nhất và nghiên cứu các cơ chế WHO đang có”, tuyên bố nhấn mạnh.

WHO cho rằng các quốc gia phải có trách nhiệm tập thể, làm việc cùng nhau trên tinh thần hợp tác thực sự, dựa trên khoa học để tìm ra nguồn gốc đại dịch.

Trước đó, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc WHO tiếp tục tới nước này điều tra nguồn gốc Covid-19 và cho rằng giai đoạn 2 của cuộc điều tra nên được mở rộng trên cơ sở của giai đoạn 1, “đặc biệt là phần đã có kết luận rõ ràng, không nên triển khai lại”.

Xem thêm >> Thụy Sĩ yêu cầu báo chí Trung Quốc gỡ nội dung chỉ trích Mỹ của 'nhà khoa học rởm'

Tin mới lên