Hồ sơ VNF

Trường hợp nào được coi là tập trung kinh tế?

(VNF) - Doanh nghiệp phải thông báo tập trung kinh tế nếu đáp ứng 4 trường hợp, theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.

Trường hợp nào được coi là tập trung kinh tế?

Trường hợp nào được coi là tập trung kinh tế?

Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.

Theo Bộ Công Thương, xác định thị trường liên quan là một trong những nội dung quan trọng của Luật Cạnh tranh. Theo quy định của Luật Cạnh tranh, thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Vì vậy, Nghị định quy định rõ cách thức xác định thị trường sản phẩm và thị trường địa lý liên quan.

Về xác định thị trường sản phẩm liên quan, Nghị định quy định cụ thể yếu tố để xác định khả năng thay thế cho nhau của hàng hoá, dịch vụ về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Khả năng thay thế về đặc tính được xác định theo các yếu tố đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ; thành phần chủ yếu; tính chất vật lý; tính chất hóa học; tính năng kỹ thuật; tác dụng phụ; khả năng hấp thu của người tiêu dùng; tính chất riêng biệt khác của hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định khả năng thay thế về cung và xác định thị trường sản phẩm liên quan trong trường hợp đặc biệt.

Về xác định thị trường địa lý liên quan, Nghị định quy định các yếu tố để xác định ranh giới địa lý trong đó có các hàng hoá, dịch vụ có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.

Các yếu tố bao gồm: Cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp và của doanh nghiệp khác liên quan; Chi phí vận chuyển; Thời gian vận chuyển; Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; Tập quán người tiêu dùng và chi phí, thời gian để người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ tại các khu vực lân cận; Đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và khu vực địa lý.

Điểm đáng chú ý thứ hai, Nghị định quy định chi tiết về việc đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận hạn chế cạnh tranh.

Bộ Công Thương cho biết, tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận hạn chế cạnh tranh là yếu tố được xem xét nhằm xác định thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định tại khoản 3 và 4 Điều 12 Luật Cạnh tranh.

Điều 13 Luật Cạnh tranh quy định các yếu tố để đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận hạn chế cạnh tranh bao gồm: Mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận; Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; Mức độ hạn chế nghiên cứu, phát triển, đổi mới công nghệ hoặc hạn chế năng lực công nghệ; Mức độ làm giảm khả năng tiếp cận, nắm giữ cơ sở hạ tầng thiết yếu; Việc làm tăng chi phí, thời gian của khách hàng trong việc mua hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hoặc khi chuyển sang mua hàng hóa, dịch vụ liên quan khác; Việc gây cản trở cạnh tranh trên thị trường thông qua kiểm soát các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực liên quan đến các doanh nghiệp tham gia thoả thuận.

Dự thảo Nghị định quy định theo hướng tuỳ từng vụ việc, yếu tố chủ yếu nhất sẽ được xác định khi tiến hành điều tra và có thể điều chỉnh một cách phù hợp căn cứ vào các chứng cứ và số liệu thu thập được.

Về mức thị phần của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận, đối với trường hợp thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ xem xét tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thoả thuận từ 10% trở lên.

Trường hợp thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ xem xét tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thoả thuận nếu thị phần của mỗi doanh nghiệp tham gia thỏa thuận trên bất kỳ thị trường liên quan của hàng hóa, dịch vụ trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đó từ 10% trở lên.

Thứ ba, dự thảo Nghị định quy định chi tiết việc xác định sức mạnh thị trường đáng kể.

Theo Bộ Công Thương, sức mạnh thị trường đáng kể là yếu tố nhằm xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền theo quy định tại Điều 24 Luật Cạnh tranh.

Nghị định mới quy định theo hướng sức mạnh thị trường đáng kể được xác định trên cơ sở tổng hợp kết quả đánh giá của một số yếu tố bao gồm: Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan; Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp; Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường; Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ; Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật; Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng; Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác; Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh. 

Thứ tư, về ngưỡng thông báo tập trung kinh tế, ngưỡng thông báo tập trung kinh tế là cơ sở để Cơ quan cạnh tranh thực hiện kiểm soát tập trung kinh tế theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Nghị định quy định doanh nghiệp phải thông báo tập trung kinh tế nếu đáp ứng 4 trường hợp.

Một là, một trong các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có tổng tài sản trên thị trường Việt Nam từ 1.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính trước năm thực hiện tập trung kinh tế.

Hai là, giá trị giao dịch tập trung kinh tế từ 500 tỷ đồng trở lên.

Ba là, một trong các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam từ 1.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính trước năm thực hiện tập trung kinh tế.

Bốn là, thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 30% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính trước năm thực hiện tập trung kinh tế.

Thứ năm, về xác định tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế, Nghị định quy định theo hướng việc tập trung kinh tế được coi là có tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể khi việc tập trung kinh tế đó dẫn đến nguy cơ tạo ra, củng cố sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp hình thành do việc tập trung kinh tế trên thị trường liên quan hoặc làm gia tăng nguy cơ phối hợp, thông đồng giữa các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan.

Việc đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của việc tập trung kinh tế thông qua việc lựa chọn, phân tích tổng hợp những yếu tố: Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan; Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế; Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau; Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan; Khả năng doanh nghiệp tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu; Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường; Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Độc giả quan tâm có thể tải dự thảo Nghị định tại đây!

Tin mới lên