Bất động sản

TS. Lê Thanh Vân: BOT thua lỗ, phải 'bắt đúng bệnh mới bốc thuốc được’

(VNF) - Đây là nhận định của TS. Lê Thanh Vân, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách tại buổi toạ đàm “Khơi nguồn và sử dụng hiệu quả tín dụng BOT giao thông” sáng 17/12.

TS. Lê Thanh Vân: BOT thua lỗ, phải 'bắt đúng bệnh mới bốc thuốc được’

TS. Lê Thanh Vân: BOT thua lỗ, phải 'bắt đúng bệnh mới bốc thuốc được’

Theo TS. Lê Thanh Vân, cần phải phân biệt rõ ràng giữa BOT và đầu tư công. Ở đây, BOT là đầu tư tư nhân và có thu tiền còn đầu tư công là không phải thu tiền.

Ông Vân lý giải, đầu tư công là nhà nước lấy từ ngân sách, lấy từ thuế của người dân, lấy tiền của dân để đầu tư cho dân và không thu tiền. Còn đầu tư tư, trong đó hợp tác công tư là đầu tư bằng tiền của tư nhân và có thu tiền. “Một con đường đầu tư công thì không phải thu phí, còn con đường đầu tư tư thì bắt buộc phải thu phí”, ông nói.

Theo ông Vân, thực tế hiện nay có 3 nguyên nhân chính dẫn tới khả năng thua lỗ, sập sàn của các nhà đầu tư vào BOT.

Thứ nhất là lượng phương tiện giao thông quá ít (không có khách hàng thì làm gì có thu nhập).

Thứ hai là phân luồng chủ quan của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông, cụ thể là ngành giao thông vận tải. Theo ông Vân, Nhà nước phân luồng giao thông cần tính đến yếu tố tự nhiên, không thể bắt người tham gia giao thông phải đi làn này làn kia được, ở đây là sự tự nguyện và họ có sự lựa chọn giữa hai con đường trừ con đường duy nhất mà BOT đầu tư. Do đó, phân luồn giao thông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của BOT.

Thứ 3 đó là định giá để vẽ thu phí (xác định mức thu phí, vé qua trạm-PV) và tuổi đời (vòng đời) của dự án. “Nếu như chúng ta lên phương án tài chính được phê duyệt, nếu tính toán không kỹ thì có thể lợi cho nhà đầu tư hoặc cũng bất lợi cho nhà đầu tư”, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách nhận định.

TS. Lê Thanh Vân lấy ví dụ về tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ. Theo quan điểm của ông thì Nhà nước cần phải tiến hành điều tra, thanh tra và khởi tố cho rõ ràng bởi dự án không phản ánh đúng bản chất của BOT.

“Ở đây là lạm dụng danh nghĩa BOT để trục lợi, lấy tiền của dân một cách bất minh. Trong khi đó, các nhà đầu tư khác ở vùng sâu, vùng xa cần được nhà nước khuyến khích thì lại không có kích hoạt về các chính sách ưu đãi”, ông Vân cho hay.

Để tháo dỡ khó khăn, đại diện của Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng trong 3 nguyên nhân kể trên thì cần phải đánh giá lại một cách tổng quan để “bốc thuốc” cho đúng.

Cụ thể, cần phải đánh giá lượng tham gia của các phương tiện giao thông. Nhà nước cần phải chia sẻ đối với các nhà đầu tư ở vùng sâu, vùng xa bằng các chính sách ưu đãi về vốn vay, chia sẻ về tuổi đời (vòng đời) dự án, đặc biệt là chia sẻ về rủi ro.

"Nếu như yếu tố tác động khách quan mà làm cho tình trạng doanh nghiệp xấu đi thì Nhà nước phải chia sẻ và trách nhiệm này thuộc về ngành giao thông vận tải", ông nói.

Tiếp đến là cần phải phân luồng giao thông làm sao cho đúng và trách nhiệm này thuộc về Nhà nước.

“Con đường nào mà nhà nước đầu tư công thì để cho người dân lựa chọn (họ đã đóng thuế thì đừng thu phí nữa). Nghĩa vụ của Nhà nước là phải tổ chức giao thông sao cho đúng, trong trường hợp nếu đang gặp khó khăn về vốn đầu tư nên phải huy động các nguồn vốn đầu tư (trong đó có tư nhân đầu tư) thì  cần phải tuyên truyền để cho người dân hiểu và có phân luồng cho khách quan, đừng vì lợi ích nhóm".

Vấn đề cuối cùng đó là định giá phí giao thông sao cho hợp lý bảo đảm nhà nước có lợi, nhân dân được hưởng lợi và nhà nước có lãi.

Xem thêm: 7 trạm thu phí BOT chậm lắp đặt thu phí không dừng

Tin mới lên