Diễn đàn VNF

TS Nguyễn Đình Cung: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% khó khả thi

(VNF) - TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm nay chỉ được như dự báo của WB mới đây (chỉ đạt mức 5,3% theo kịch bản cơ sở).

TS Nguyễn Đình Cung: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% khó khả thi

TS Nguyễn Đình Cung

- Theo ông, đâu sẽ là những yếu tố tác động tới nền kinh tế ở thời điểm hiện tại?

TS Nguyễn Đình Cung: Môi trường bên ngoài hiện nay nổi lên là cuộc xung đột Nga - Ukraine và dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc. Theo đó, dù tác động trực tiếp từ cuộc xung đột Nga - Ukraine là không nhiều, nhưng tác động gián tiếp (qua giá cả năng lượng, hàng hóa tăng rất cao và nguy cơ sụt giảm về tăng trưởng, nhu cầu của các đối tác chủ yếu của Việt Nam) có thể rất lớn.

Trong khi đó, dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc - một đối tác rất lớn đối với Việt Nam - và nước này vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid”. Có lẽ sự đứt gãy chuỗi cung ứng vì dịch và chống dịch ở Trung Quốc sẽ ở mức nghiêm trọng hơn mức chúng ta dự tính. Đó là những yếu tố bên ngoài tác động tới sự phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Ở trong nước, tình hình cũng có điểm khác. Trong đó, sức ép của lạm phát đang nặng hơn so với trước đây, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô hiện hữu hơn và những rủi ro của thị trường tài chính nhiều khả năng sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam đang thực hiện duy trì chính sách tiền tệ và tài khoá mở rộng để phục hồi kinh tế, tuy nhiên dư địa cho 2 chính sách này dần hạn chế. Trong bối cảnh này, kiểm soát về dịch vụ trong phạm vi quản lý của nhà nước là rất quan trọng như xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục, y tế, điện… Việc điều chỉnh các mặt hàng chiến lược này ngoài bảo đảm theo yêu cầu, lộ trình thị trường, giảm sức ép lên ngân sách nhà nước, cần đảm bảo cân nhắc an toàn cho động lực tăng trưởng.

Với những điểm mới khác biệt hơn và mang tính rủi ro, tác động không thuận như vậy, việc giữ mục tiêu tăng trưởng 6% - 6,5% có gì đó không logic. Cá nhân tôi thiên về khả năng tăng trưởng năm nay chỉ như dự báo của WB mới đây (theo đó dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ đạt mức 5,3% theo kịch bản cơ sở). Do đó, để có thể đạt được mục tiêu đặt ra thì đòi hỏi phải có những chính sách, nỗ lực thực thi cải cách tốt hơn, mạnh mẽ và mang tính bước ngoặt hơn.

- Vậy, làm thế nào để tăng trưởng đạt kỳ vọng?

Muốn đạt tăng trưởng theo kỳ vọng, phải có những chính sách, những nỗ lực thực thi cải cách tốt hơn, gấp gáp hơn, mạnh mẽ hơn. Hiện nay, có rất nhiều nghị quyết, nhiều giải pháp, nhưng lẻ tẻ và phần lớn giải pháp mang tính chất kỹ thuật, chứ không mang tính chất là một sự cải cách thực chất.

Hiệu quả từ chính sách chậm thì ngay từ khi kế hoạch chưa ban hành tôi đã dự đoán thậm chí là không thực hiện được, bởi vì nhìn cách thiết kế và cách thức thực hiện thì thấy rằng nó không thay đổi gì. Như gói an sinh xã hội, chúng ta thực hiện qua ngân hàng chính sách xã hội, nhưng ngân hàng đó thì năng lực và cách thức thực hiện vẫn như thế, rõ ràng là không thể có sự đột biến để đẩy nhanh gói bổ sung. Đó là hạn chế.

Cũng tương tự như vậy, đối với đầu tư công thì lâu nay vẫn không thể bố trí, phân bổ vốn được. Ví dụ như có 100 dự án thì chúng ta chỉ phân bố được nhiều nhất là 95, 97, việc giải ngân chậm, kém hiệu quả vẫn là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”…

- Ông có thể nói rõ hơn, đó là những giải pháp như thế nào?

Đó là những giải pháp mang tính chất tổng thể và đột phá. Ví dụ, trong gói giải pháp thúc đẩy đầu tư công, theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ phải rà soát, hoàn thiện danh mục dự án, chương trình sử dụng vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi phân bổ. Nhưng tới thời điểm hiện tại, danh mục chưa hoàn thiện; nếu đợi thì có thể tiến độ của Chương trình lệ thuộc vào những phần việc chậm trễ.

Theo quan điểm của tôi, bên cạnh việc thúc đẩy Chính phủ hoàn thiện danh mục, nếu có cơ chế, dự án nào đủ điều kiện thực hiện, có tác động lan tỏa nhanh, thì có thể cho phép thực hiện trước, không chờ đợi.

Tương tự, với các dự án trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội về chủ trương đầu tư, gồm vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 TP. HCM, các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Quốc hội có thể có các cuộc làm việc bất thường, tạo sức ép, nhưng cũng cần cùng với Chính phủ hoàn thiện thủ tục cho việc triển khai các dự án.

Cơ sở của khuyến nghị này là: đây là những dự án đã có quy hoạch, đã đánh giá hiệu quả, tác động lan tỏa trong thu hút nguồn lực đầu tư, tạo cơ hội phát triển, tháo gỡ các điểm nghẽn phát triển của khu vực, không thể không làm, nên cần quy trình đặc biệt để giải quyết nhanh các thủ tục. Quốc hội đã cho cơ chế bất thường thì việc thực hiện các thủ tục cũng phải theo tinh thần bất thường này.

Bên cạnh đầu tư công, những động lực chính cho tăng trưởng vẫn là xuất khẩu và thúc đẩy tổng cầu. Tổng cầu nền kinh tế có tăng lên nhưng chưa đủ mức cao như những năm trước, đó là lý do giải thích lạm phát cao nhưng chỉ số CPI vẫn thấp.

Đặc biệt, để có thể thay đổi sức ì và động viên được sự sáng tạo, đột phá trong việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, về trung và ngắn hạn cần nhìn thấy cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước là một chủ đề đầy tiềm năng. Phải quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mô hình hộ kinh doanh (khu vực đóng góp 30% GDP)...

Tôi cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực bù đắp được những thiếu hụt ở chỗ khác. Chính phủ phải đổi mới cơ chế, chính sách là để doanh nghiệp nhà nước vận hành linh hoạt, có vậy mới phát huy hết tiềm năng.

Đồng thời, Chính phủ phải cải cách mạnh mẽ hơn môi trường kinh doanh, đặc biệt chú ý nhiều hơn đến giải pháp về thu hút đầu tư nước ngoài.

Tôi rất trông chờ vào nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ khi thực hiện các nhiệm vụ rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định liên quan đến phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, như pháp luật về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đất đai, kinh doanh bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động.

Nhìn rộng hơn, các thể chế này liên quan đến năng lực sản xuất, tạo tài sản cho nền kinh tế, nên cần xác định cái gì thừa thì bỏ, trùng lặp thì gọn lại.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn sẽ chưa thể có thay đổi ngay. Chính phủ có thể bắt đầu bằng việc cắt giảm thủ tục, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân. Trong triển khai thực tế, cũng phải thay đổi theo hướng không tạo tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.

Bên cạnh đó, cần có những bước đột phá trong phát triển, như xây dựng trung tâm tài chính, kinh tế, cho địa phương thí điểm thu thuế tài sản để dành cho ngân sách địa phương..

Cuối cùng, chúng ta nên thẳng thắn thừa nhận, Việt Nam không còn là điểm sáng để thu hút FDI nữa, bởi Việt Nam không khôi phục nhanh như trước cả về số và tốc độ tăng trưởng. Tôi nghĩ là chúng ta phải nhìn rõ hơn, chấp nhận sự thật để có những giải pháp phù hợp để “xốc lại” huy động vốn đầu tư nước ngoài, đừng bảo thủ, viển vông nghĩ chúng ta vẫn hay, vẫn tốt.

Tin mới lên