Thị trường

TS Văn Tiến Hùng: 'Cần có một chương trình minh bạch hóa giá điện'

(VNF) - Giá năng lượng hợp lý là yếu tố quan trọng để khuyến khích, khơi thông dòng vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực phát triển năng lượng tại Việt Nam. Thạc sỹ Văn Tiến Hùng, một chuyên gia ngành điện từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới (WB), Hà Nội từ năm 1996-2019 nêu quan điểm về vấn đề này.

TS Văn Tiến Hùng: 'Cần có một chương trình minh bạch hóa giá điện'

Cần có một chương trình minh bạch hóa giá điện.

- Thưa ông, giá điện là vấn đề được bàn cãi nhiều năm qua tại Việt Nam. Báo chí Việt Nam cũng đã tốn không ít giấy mực về chủ đề này. Theo ông, giá điện được quy định như thế nào là hợp lý?

Ông Văn Tiến Hùng: Giá điện, khí là một vấn đề mà hầu hết các nước đều gặp phải. Nó không đơn thuần là vấn đề kinh tế, tài chính mà có rất nhiều yếu tố khác về chính trị, xã hội, môi trường. Vì vậy, thế nào là hợp lý thì cần phải hiểu là đang nhìn nhận vấn đề dưới góc độ nào. Một số nước sử dụng giá điện để tranh cử, một số nước lại sử dụng nó nhằm vào việc sử dụng điện tiết kiệm hơn và hiệu qủa hơn.

- Vậy nếu nhìn từ góc độ khơi thông nguồn vốn đầu tư thì…?

Nếu mục tiêu là khơi thông dòng vốn đầu tư thì giá càng cao càng tốt. Thời gian qua khi mà chính phủ đồng ý áp dụng giá FIT, biểu gía mua điện năng lượng tái tạo ưu đãi hoà lưới, thì chỉ trong một thời gian ngắn các nhà đầu tư đã nhanh chóng triển khai, khiến cho quy hoạch bị phá vỡ.

Trong quy hoạch đến 2020 có 850 MW điện gió và mặt trời, thì thực tế đến nay đã có hơn 4500 MW, khiến cho hệ thống đường dây truyền tải không phát triển kịp. Ở một số nước khác, trong một số giai đoạn, cũng có hiện tượng thừa công suất do giá điện mua vào đặt ở mức cao.

- Còn nếu nhìn một cách tổng thể hơn?

Trong điều kiện cụ thể của Việt nam, thì đến nay giá điện có thể nói là tương đối hợp lý, cân bằng được các mục tiêu về kinh tế, tài chính, xã hội, đủ để trang trải chi phí vận hành, nhưng không đủ cho đầu tư trong trung hạn và dài hạn. Tương đối hợp lý vì ở bậc thang đầu giá điện được tính thấp hơn giá trung bình để cho người có thu nhập thấp và có lượng tiêu thụ ít, và giá được nâng lên trên mức trung bình ở các bậc thang cuối nhằm khuyến khích tiết kiệm năng lương.

Như vậy trong tương lai gần thì sự cân bằng tương đối nói trên sẽ có thể bị phá vỡ, do sức ép về vốn cho nhu cầu đầu tư tăng cao. Đã có những lo ngại về thiếu điện trong những năm tới. Giá điện tăng sẽ làm cho tình hình tài chính của EVN và các công ty thành viên tốt lên, bảng cân đối tài chính tốt lên sẽ làm cho tín nhiệm về mặt tài chính tốt lên và EVN cùng với các đơn vị thành viên có thể huy động các nguồn vốn không có bảo lãnh của chính phủ, các nguồn vốn thương mại, cũng như tăng thêm động lực cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư.

- Vậy theo ông, trong thời gian tới Việt Nam nên giải quyết vấn đề giá điện như thế nào?

Trước hết là minh bạch hóa giá điện. Hiện nay mỗi lần có dự kiến tăng giá điện hoặc có ý kiến là giá điện ở Việt nam thấp so với thế giới thì phản ứng của xã hội thường rất cao, có thể không phải vì giá tăng mà chủ yếu là do công chúng không hiểu tại sao giá lại tăng như vậy. Vậy thì giá điện ở Việt nam thấp hay cao, nếu nhìn từ góc độ của thu nhập bình quân thì giá điện không thấp. Nhưng nếu nhìn ở góc độ của mặt bằng thế giới thì có chút khác biệt.

Nếu phân loại giá điện của thế giới thì có ba nhóm sau, nhóm thứ nhất có giá điện trung bình nhỏ hơn 10 cent mỹ một kWh, khoảng 2,200 Đ/kWh, nhóm thứ hai có giá từ 10 đên 20 cent/kWh, và nhóm thư ba có giá lớn hơn 20 cent/kWh. Trong nhóm một chỉ có khoảng 10 nước, trong đó có Việt Nam. Như vậy thì giá điện của Việt nam không cao. Theo tôi, cần phải có một chương trình để minh bạch hoá quá trình xây dựng giá điện, cũng như giải trình để công chúng hiểu được.

- Ông có thể nói rõ hơn về nội dung chương trình đó?

Chương trình minh bạch hoá cần phải lồng ghép để giải trình cho câu hỏi tại sao điện không như những hàng hoá thông thường khác dùng càng nhiều lại càng đắt và tại sao giá điện hiện nay không thể tỷ lệ với mức thu nhập của người Việt Nam.

Giải trình để công chúng có thể hiểu được rằng điện là một mặt hàng phải được dùng một cách tiết kiệm nhất, hợp lý nhất, hiệu quả nhất, nếu không muốn nói là một mặt hàng sử dụng càng ít càng tốt vì nó là nguồn tài nguyên cạn kiệt không tái sinh, và ảnh hưởng xấu đến môi trường dưới nhiều góc độ, ngay cả đối với thuỷ điện và các dạng khác.

Giải trình để công chúng hiểu được rằng lương là yếu tố nội địa phản ánh giá trị lao động nội địa, nó dựa trên năng suất lao động, nhưng rất tiếc là năng suất lao đông của Việt nam còn thấp, nếu không muốn nói là rất thấp. Hiện naycòn khi mà chúng ta phải nhập khẩu cả thiết bị lẫn nhiên liệu để phát điện, hoặc mua điện của nước ngoài và các công ty nước ngoài thì giá điện phải được tính theo giá quốc tế, và nó không còn tỷ lệ với tiền lương được nữa.

- Ngoài minh bạch hóa quá trình xây dựng giá điện, theo ông, Việt Nam cần quan tâm thêm những vấn đề gì?

Hợp lý hoá các chính sách định giá cho cả điện và khí, cũng như hiện đại hoá các khung quy định và thể chế liên quan có vai trò quan trọng để đạt được mục đích xếp hạng tín nhiệm tài chính cao.

Theo tôi, cần áp dụng giá điện có hai thành, phần phí điện năng và phí công suất. Theo thời gian cho các hộ tiêu thụ trung bình và lớn nhằm giúp các công ty điện lực thu hồi chi phí cố định thông qua phí công suất, và chi phí biến đổi thông qua phí điện năng, đồng thời cung cấp tín hiệu giá chính xác phản ánh đầy đủ chi phí cung cấp dịch vụ và sự thay đổi theo thời gian.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới lên