Diễn đàn VNF

TS. Võ Trí Thành: 'Cái lợi rõ nét và dễ dàng nhìn thấy nhất là yêu cầu về cải cách'

TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương nêu quan điểm về việc tham gia CPTPP, theo đó "cái lợi rõ nét và dễ dàng nhìn thấy nhất là yêu cầu về cải cách".

TS. Võ Trí Thành: 'Cái lợi rõ nét và dễ dàng nhìn thấy nhất là yêu cầu về cải cách'

TS. Võ Trí Thành

"CPTPP sẽ là chất xúc tác tạo bước ngoặt về thể chế cho Việt Nam, dù đây vốn là yêu cầu tự thân của Chính phủ hiện tại. CPTPP sẽ tác động trực tiếp tới thương mại, đầu tư, dịch vụ và Việt Nam là nước được hưởng lợi hơn cả. Hiệp định này tạo không gian chơi tốt hơn, qua đó ta học hỏi được nhiều từ những nước phát triển. Không gian mở không chỉ tạo cơ hội về cạnh tranh, tiếp cận thị trường mà còn là việc bắt nhịp được xu thế mới", ông nói.

Nhấn mạnh về việc "mất" và vấn đề "sòng phẳng", ông cho hay "cơ hội nào mà chẳng cần có chi phí. Đó là quy luật của thị trường, chúng ta muốn được cái gì cũng phải bỏ ra một chi phí nhất định".

Với trường hợp của Việt Nam, theo ông Thành, chi phí đó là bỏ thời gian để học hỏi, để đáp ứng những tiêu chuẩn, yêu cầu của hiệp định chung. "Tuy nhiên, việc "bỏ" này cái lợi nhìn thấy lớn hơn chi phí. Sẽ có những ngành vì không cạnh tranh được mà thua thiệt, như chăn nuôi, sản xuất ô tô. Nhưng với chăn nuôi chúng ta đã có điều khoản giữ tới 10 năm nữa thuế suất mới bằng 0%. Còn với sản xuất ô tô thì họ vẫn chấp nhận chơi, có thể vì đó là xu hướng mới", ông nói.

Cùng với đó, ông nhận định: "Nhìn vào cơ hội kinh doanh không chỉ nhìn vào thuế suất mà phải thấy rằng chúng ta sẽ được phục vụ, tiếp xúc với thị trường rộng lớn hơn. Đó là cơ hội phát triển của ngành logistics, cơ hội của dịch vụ kết nối, hỗ trợ. Để đáp ứng trò chơi mới, thương mại điện tử liên quan tới IT sẽ phát triển, môi trường sẽ phát triển theo hướng xanh hơn và người ta cũng tin tưởng hơn vào sự phát triển lâu dài, bền vững".

"Với không gian chơi, môi trường chơi, yêu cầu chơi mới đầy tính cạnh tranh, ai không thích ứng được thì tất yếu sẽ thua. Chúng ta không thể tham lam và đòi được tất. Nhưng nhìn về tổng thể, Việt Nam sẽ có lợi, cái lợi không phải là những con số tuyệt đối mà nó là tương đối. Ví dụ như GDP sẽ tăng cao hơn các nước khác, chúng ta tăng thêm 1,5 thì nhiều nước không tham gia CPTPP chỉ tăng thêm 0,9 chẳng hạn. Hoặc sẽ có thay đổi lớn về mức tăng trong xuất khẩu khi hiệp định này có hiệu lực", vị TS cho biết thêm.

Vẫn theo ông Thành, cái khó hiểu của CPTPP đó là 11 nước tham gia đều sẽ có lợi và không ai bị thiệt bởi vì "cái bánh có thể to ra và ai cũng có phần; và vì phân bổ nguồn lực trong chiếc bánh ấy sẽ hiệu quả hơn".

"Chúng ta sẽ đi làm những thứ mà chúng ta có lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh, không như trước đây khi đóng cửa thì một mình chúng ta làm tất. Cũng vì thế mà năng suất lao động sẽ cao hơn, chúng ta sẽ được trả công xứng đáng hơn cho những gì chúng ta giỏi", ông Thành khẳng định.

Về những thách thức, đối với Chính phủ, ông cho biết cải cách hiện nay không còn là "tự thân" như vào đầu những năm 1990, mà đã tương tác mạnh hơn nhiều với tiến trình hội nhập. Trong khi đó, Việt Nam vẫn còn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, và vì vậy, có thể thấy khoảng cách giữa đòi hỏi của hội nhập hiện nay (nhất là TPP, VN-EU FTA,..) và năng lực đáp ứng thực tế của Việt Nam là không hề nhỏ. 

Do vậy, ông cho rằng Chính phủ phải hết sức nỗ lực cải cách, xây dựng chính sách theo hướng: Hài hoà, hoàn thiện, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, tạo dựng hình ảnh nhà nước pháp quyền; giảm thiểu phí tổn điều chỉnh và chủ động liên kết, hợp tác.

Với doanh nghiệp, theo vị TS, điều "cốt lõi" là phải xem kinh doanh là cái "Nghiệp", và gắn sứ mệnh đó với học hỏi cách thức kinh doanh trong bối cảnh mới. "Một là học tìm kiếm cơ hội kinh doanh; Hai là học kết nối cùng chấp nhận cạnh tranh; Ba là học cách huy động vốn; Bốn là học quản trị sụ bất định thông qua việc hiểu và sử dụng hiệu quả các công cụ phòng chống rủi ro, "biến cái bất định thành cái xác định" (như công cụ phái sinh; bảo hiểm); Năm là học đồng hành với chính phủ; Cuối cùng, sáu là học "đối thoại pháp lý"", ông nêu.

Tin mới lên