Diễn đàn VNF

TS Võ Trí Thành chỉ ra nghịch lý: Không phải cứ thể chế tốt mới có tăng trưởng cao

(VNF) – Nhiều người vẫn tin rằng thể chế là yếu tố quyết định đến tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, chỉ ra rằng các trường hợp tăng trưởng tốt nhất thế giới lại là những nước có thể chế trung bình hoặc kém.

TS Võ Trí Thành chỉ ra nghịch lý: Không phải cứ thể chế tốt mới có tăng trưởng cao

TS Võ Trí Thành

Theo TS Võ Trí Thành, nhìn lại giai đoạn 30 năm qua, Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thế giới. Trong đó, Trung Quốc là nước duy nhất 30 năm liền tăng trưởng trung bình 10%/năm; Việt Nam là nước xếp thứ 2 (tính đến năm 2015).

Mặc dù tăng trưởng tốt như vậy nhưng nếu nhìn vào bảng đánh giá thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) – đánh giá về các chỉ tiêu: tham nhũng, trách nhiệm giải trình, chế tài thực thi… - thì Trung Quốc và Việt Nam tiến rất chậm, nếu không muốn nói là lẹt đẹt trong suốt 30 năm qua.

“Thể chế kém, tiến rất chậm nhưng tăng trưởng lại tốt, là vì sao? Có người nói nếu thể chế tốt thì tăng trưởng đã đạt mức gấp đôi như vậy. Nhưng sự thật thì chả có nước nào có thể tăng trưởng 9% – 10% trong suốt 30 năm như Trung Quốc. Thế giới chỉ có một Trung Quốc thôi”, ông Thành nói.

Một nghịch lý khác cũng được ông Thành nêu ra là giữa tăng trưởng và kinh tế số, sức sáng tạo. Ông cho biết năm 2018, khi sang Israel – quốc gia nổi tiếng thế giới với danh xưng “quốc gia khởi nghiệp” – ông đã nêu một vấn đề: Israel cái gì cũng nhất: khởi nghiệp nhất, sáng tạo nhất… nhưng vì sao tăng trưởng vẫn thấp?

Tương tự, ông Thành đặt vấn đề: Trung Quốc đi đầu về số hóa, về thanh toán không dùng tiền mặt, trí tuệ nhân tạo cũng không kém gì các nước phát triển, thế nhưng giờ Trung Quốc lại giảm tốc về tăng trưởng GDP, không thể trở lại với thời kì 9% - 10% được nữa.

Vậy vì sao lại có nghịch lý như vậy?

Theo ông Thành, có một số lý thuyết giải thích cho điều này như: sử dụng công nghệ không đúng cách; việc dùng công nghệ để nâng cao năng suất lao động không hề dễ dàng…

Tuy nhiên, ông Thành cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất là do chúng ta chưa hiểu gì về quy luật của kinh tế số. Bên cạnh đó, kĩ năng sử dụng công nghệ của chúng ta không theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.

Dù vậy, ông Thành vẫn tin rằng về dài hạn, thể chế vẫn sẽ quyết định đến tốc độ tăng trưởng. Chỉ có điều, ông cho rằng khi bàn luận về vấn đề này, giới kinh tế và quản lý cần có một cái nhìn sâu hơn.

Chính trị ngày càng chi phối kinh tế

Bình luận về các xu hướng của thế giới trước “thời Covid”, ông Thành cho rằng có 7 điểm nổi bật.

Một là về địa chính trị, xu hướng đơn cực va đập với song cực và đa cực. “Những nước nhỏ hơn có thể là con tin của xu hướng đó, khôn khéo thì không bị xây xát, giỏi thì tọa sơn quan hổ đấu, giỏi như Việt Nam thì đục nước béo cò, còn kém thì trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”.

“Ta thấy Covid-19 làm tăng thêm sự tất tay giữa Trung Quốc và Mỹ. Các vấn đề như an ninh Hồng Kông, tranh chấp Ấn Độ - Trung Quốc, nội tình nước Mỹ… đều được đẩy lên. Xu thế này sẽ tác động như thế nào tới chúng ta? Tác động đó là ngắn hạn hay trung – dài hạn?

“Tôi tham gia vào đề tài ‘Hội nhập và an ninh’, phát hiện ra rằng chính trị ngày càng chi phối kinh tế. Trước kia, cái chất thị trường rất cao. Các hiệp định thương mại tự do cũng là đẩy cái chất thị trường ấy. Nhưng 5 – 7 năm nay, chất chính trị rất cao, mà chất chính trị thì rủi ro rất cao về kinh tế, vì một là ta chưa biết nó dài hay ngắn, hai là chính trị có thể thúc đẩy hiệu quả nhưng cũng có thể ngược dòng hiệu quả”, ông Thành bình luận.

Xu hướng thứ hai là tiêu dùng, đây là xu hướng mà ông Thành cho rằng nó vừa thay đổi, vừa thúc đẩy. “Tiêu dùng trước Covid-19 là xanh, là an toàn, là nhân văn; bây giờ cái xanh, cái an toàn được đẩy lên, nhưng cái thay đổi là xu thế cẩn trọng. Giờ người ta tính đến ngày mai, không son phấn, nước hoa nữa mà là cơm gạo. Đô thị hóa cũng vậy, sẽ thay đổi”.

Xu hướng thứ ba là hội nhập và chuỗi giá trị. Ông Thành nhận định Covid-19 đã làm rõ hơn những đứt gãy của chuỗi giá trị, khiến các nước nhận ra vấn đề tự chủ các mặt hàng chiến lược và công nghệ. “Tất nhiên vẫn còn tranh cãi cái gì là chiến lược: tên lửa hay gạo hay khẩu trang… Nhưng ít nhiều chúng ta đều thấy, trước hết là lượng thực thực phẩm và y tế”.

Xu hướng thứ tư là đối tác. Covid-19 không chỉ khiến các quốc gia co kéo về mình mà còn thúc đẩy sự tìm kiếm đối tác chiến lược.

Xu hướng thứ năm là vấn đề 4.0 và kinh tế số. Trước kia, lợi thế so sánh là lao động giá rẻ, giao thông vận tải. Giờ lợi thế so sánh là kết nối dịch vụ.

Xu hướng thứ sáu là biến đổi khí hậu. Điều này dẫn đến hai vấn đề là năng lượng mới và cạnh tranh nguồn lực. Ví dụ như nước, không chỉ là nước mà còn là điện, là năng lượng.

Xu hướng thứ bảy là thế giới ngày càng rủi ro và bất định. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia phải tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng linh hoạt.

“Như vậy, có hai vấn đề về cải cách thể chế: một là tốc độ, hai là cơ chế đăc biệt. Trong thế giới ngày nay, không chỉ công nghệ mà mọi thứ đều nhanh, đều rủi ro nên cần phải tốc độ. Và để giải quyết vấn đề này thì cần cơ chế đặc biệt, đặc biệt nhất là cứ Thủ tướng đứng đầu” – ông Thành hóm hỉnh và đặt thêm vấn đề: “Cũng cần cân nhắc xem cơ chế đặc biệt có nên cứng không hay sẽ linh hoạt”.

Nói về lựa chọn của Việt Nam hiện nay, ông Thành cho rằng chính phủ cần giải quyết đồng thời 3 bài toán.

Một là khống chế dịch, sống chung với nguy cơ có dịch. “Loài người chưa từng có vắc xin ngừa cúm”, ông nói.

Hai là xử lý những thứ tồn đọng. “Tôi nói ví dụ 12 dự án thua lỗ, có khó xử lý không? Nó vẫn nằm chình ình ra đấy, đó là hàng trăm nghìn tỷ, là người tài, là người lao động của chúng ta. Hay về nợ xấu, ta hi vọng 6 năm làm được mà giờ 8 năm chưa xong, sau năm nay tỷ lệ nợ xấu chắc chắn sẽ tăng, dù ta đang cố giữ ổn định. Thâm hụt ngân sách sẽ lớn hơn nhiều. Ta phải xử lý bài toán hiện tại: giữ được vĩ mô, chịu thâm hụt lớn, nợ công tăng, kiềm chế lạm phát nhưng vẫn phải bơm tiền để thúc đẩy tăng trưởng”.

Bài toán thứ ba ông Thành nhấn mạnh là tái cấu trúc để đi lên. “Và cả 3 bài toán này chúng ta đều cần tốc độ. Đón đại bàng mà chậm thì thành đón chim sẻ”, ông nói.

Vị Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tha thiết rằng: “Môi trường đầu tư kinh doanh vẫn là key (chìa khóa) của cải cách. Đã đến lúc – mà thật ra là chậm rồi – ta phải chuyển môi trường đầu tư kinh doanh sang thúc đẩy chứ không phải ngăn chặn. Ngăn chặn không bao giờ hết”, ông Thành nói thêm.

Tin mới lên