Diễn đàn VNF

TS. Võ Trí Thành: 'Tài chính bao trùm tại Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình thấp'

(VNF) - Việt Nam đã có không ít nỗ lực trong bao phủ cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là từ phía hệ thống ngân hàng. Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các ngân hàng đều nhận thấy và "buộc" phải có sự thay đổi về chất để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân.

TS. Võ Trí Thành: 'Tài chính bao trùm tại Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình thấp'

TS. Võ Trí Thành.

Trong một bài viết mới đây, xét về tầm quan trọng của tài chính bao trùm (TCBT), TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đã nhận định, ở các nước đang phát triển, việc thúc đẩy tiếp cận tài chính sẽ góp phần phát triển hệ thống tài chính, từ những định chế tài chính lớn cho đến các tổ chức nhỏ, và việc huy động nguồn lực trong nước, qua đó hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững hơn, bao trùm hơn. 

Đó chính là lý do cách tiếp cận theo tài chính bao trùm rất được nhấn mạnh trong những năm lại đây, dù không phải là điều quá mới mẻ. Tài chính bao trùm được hiểu một cách khái quát nhất là việc mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính có chất lượng bởi các định chế lành mạnh, bền vững với mức giá hợp lý.

Tại Việt Nam, theo ông có 3 lý do cơ bản khiến tài chính bao trùm được chú trọng. Lý do đầu tiên đó là sự chênh lệch giàu nghèo vẫn còn lớn tại Việt Nam, cấu trúc dân số cũng đang nhanh chóng thay đổi, tỷ lệ người già ngày càng cao... Tất cả điều này đòi hỏi phải tạo ra sự phát triển bền vững, bao trùm.

Vấn đề thứ hai là việc cần phải lưu tâm đến vai trò của doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như sự tham gia của phụ nữ, người cao tuổi trong phát triển kinh doanh.

Cùng với đó là những đột phá về công nghệ, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đang mở ra nhiều cơ hội to lớn, tạo ra những bước ngoặt trong nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của mọi người dân để đạt TCBT.

Công nghệ sẽ giúp giảm chi phí giao dịch tài chính lên đến 80 thậm chí là 90%. Tài chính số có thể giúp GDP của các nền kinh tế mới nổi tăng thêm 3.700 tỷ USD đến năm 2020.

Về thực trạng tại Việt Nam, TS. Thành ghi nhận Việt Nam đã có không ít nỗ lực trong việc bao phủ cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là từ phía hệ thống ngân hàng.

"Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các ngân hàng đều nhận thấy và "buộc" phải có sự thay đổi về chất để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân. Qua đó, ngân hàng và các định chế tài chính trong nước vừa có thể khai thác tiềm năng thị trường, tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn, lại vừa giữ vững thị phần của mình trước bối cảnh hội nhập sâu rộng với sự tham gia bình đẳng của các định chế tài chính nước ngoài tại Việt Nam", ông phân tích.

Tuy nhiên ông cũng nhận xét, mặc dù đã có bước cải thiện nhưng xét về tổng thể, hiện tại TCBT ở Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình thấp.

Cụ thể, về việc tiếp cận tài chính của người dân, thống kê cho thấy đến cuối năm 2016, tỷ lệ dân số Việt Nam trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng vào khoảng 39%. 

Theo ông Thành, con số trên mặc dù đã tăng đáng kể so với thời điểm cách đây vài năm (31% năm 2014), nhưng so ngay với các nước thu nhập trung bình thấp và trong khu vực châu Á, hay ASEAN-5, thì vẫn còn thấp, bởi trung bình tỷ lệ tiếp cận tài khoản ở các nước này đều trên 50%, thậm chí nhiều nước đạt mức trên 70%.

Cùng với đó, khả năng tiếp cận chi nhánh ngân hàng thương mại, số máy ATM của Việt Nam cũng như quy mô tiền gửi và dư nợ cho vay của các quỹ tín dụng, các công ty tài chính ở Việt Nam cũng đang còn ở mức thấp nhất trong khu vực.

Do đó, ông khẳng định, không có con đường nào khác là Việt Nam phải rất nỗ lực trong thúc đẩy quá trình phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng gắn bó chặt chẽ với tính bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính. 

"Nói cách khác, đó là việc làm sao để mọi người đều có thể tiếp cận, tiếp cận cơ hội mới trên tất cả các khía cạnh đời sống xã hội và tiến trình phát triển lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm", ông nói.

Về cách thức để phát triển tài chính bao trùm, TS. Thành cho rằng bên cạnh việc chọn cách làm thận trọng với những thí điểm thì quan trọng hơn vẫn là nỗ lực nhanh chóng học hỏi, xây dựng khung pháp lý để có thể thúc đẩy phát triển, trong khi vẫn hạn chế được những rủi ro lớn phát sinh.

Mới đây, Chính phủ đã giao cho NHNN xây dựng Đề án thúc đẩy tài chính bao trùm đến năm 2020. Trong đó, NHNN có vai trò quan trọng trong xây dựng khung khổ pháp lý để vừa đảm bảo sức sáng tạo của thị trường, vừa hạn chế được những rủi ro có thể phát sinh.

Tuy nhiên, theo ông Thành, nhiệm vụ này muốn thành công thì không thể chỉ đặt trên vai NHNN. Vai trò và sự phối hợp của các bộ ngành khác cũng sẽ góp phần rất quan trọng cho sự phát triển TCBT. 

"Tạo lập nền tảng công nghệ hiện đại, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, và ở đây cần có sự vào cuộc của Bộ Tài chính. Hay như cung cấp thông tin cá nhân không chỉ là câu chuyện của NHNN. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc của Chính phủ và cả xã hội, cùng với sự chuyển động trên thực tế của thị trường và xu hướng công nghệ có tính toàn cầu, nhất là về công nghệ số, đây chính là thời điểm, là cơ hội chưa từng có để tạo bước ngoặt trong phát triển TCBT ở Việt Nam", ông Thành nhấn mạnh.

Tin mới lên