Tài chính

TTCK tuần tới: Rủi ro gia tăng từ chứng khoán Mỹ nhưng tín hiệu tích cực đã xuất hiện

(VNF) - Thật khó trông chờ vào việc Vn-Index quay đầu tăng điểm ngay lập tức. Kịch bản Vn-Index đi ngang với biến động tắt dần sẽ là điều đáng mong chờ nhất, thể hiện việc thị trường dần ổn định lại và có thể sớm tiếp tục con đường riêng của mình.

TTCK tuần tới: Rủi ro gia tăng từ chứng khoán Mỹ nhưng tín hiệu tích cực đã xuất hiện

Vn-Index đang gặp áp lực từ TTCK Mỹ

Tuần qua, Vn-Index đã phá đỉnh lịch sử khi có thời điểm chỉ số này đã vượt qua con số 1.180. Tuy nhiên, thị trường ngay lập tức gặp lực bán chốt lời, cộng hưởng cùng ảnh hưởng xấu từ tình hình kinh tế chính trị quốc tế, đã làm cho Vn-Index rơi nhanh chóng về vùng 1.150 điểm.

Duy trì đà tăng tuần trước, với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, dầu khí cùng trụ cột quen thuộc VIC, MSN, thị trường đã đạt mức điểm 1.180,4, cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, đây là trạng thái vượt đỉnh không mấy thuyết phục khi sau đó không xuất hiện sự hưởng ứng nào từ phần còn lại của thị trường.

Sự kiện đáng chú ý nhất tuần lại đến từ bên kia đại dương, khi chứng khoán Mỹ thêm một lần sụp đổ diện rộng: Dow Jones bị thổi bay hơn 700 điểm trước phiên cuối tuần. Điều này có lẽ là nguyên nhân chính khiến cho Vn-Index vào phiên ngày thứ 6 chịu áp lực bán tháo ngay từ đầu phiên khi sau phiên ATO, chỉ số đã nhanh chóng "bay mất" gần 20 điểm. 

Tuy nhiên, thị trường phiên cuối tuần cũng bắt đầu phát đi những tín hiệu nhất định cho thấy câu chuyện đã khác so với bối cảnh tương tự hồi đầu tháng Hai.

Lực bán tháo cuối tuần được hấp thụ khá tốt ở vùng giá thấp, đồng thời thị trường giảm điểm có sự phân hóa nhất định.

Cụ thể, nhóm ngân hàng, chứng khoán, dầu khí đã chịu chấn động sâu nhất khi VCB, MBB, BID, CTG, GAS, PLX đều giảm đáng kể. Trong khi đó, một số cổ phiếu không chịu áp lực từ thị trường. DHG tăng đến 5%, VHC kịch trần sau thông tin thuận lợi từ thị trường Mỹ, VIC tiếp tục cho thấy đà tăng ấn tượng và ổn định nhất Vn-30. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, VJC dù giảm điểm nhưng không cho thấy áp lực đáng kể.

Với những diễn biến này, thị trường tuần sau nhiều khả năng sẽ rơi vào trạng thái bất ổn và khá nhạy cảm. Thật khó trông chờ vào việc quay đầu đi lên ngay lập tức dù vẫn đang có những tín hiệu tích cực nhất định. Thay vào đó, kịch bản Vn-Index đi ngang với biến động tắt dần sẽ là điều đáng mong chờ nhất, thể hiện việc thị trường dần ổn định lại và có thể sớm tiếp tục con đường riêng của mình. Không ngoại trừ khả năng, thị trường có hồi phục trong một vài phiên tới nhưng vẫn nhanh chóng quay về kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn quanh mức điểm 1.140 – 1.150, là vùng điểm trung bình của phiên ngày thứ Sáu.

Sau khi ổn định lại, cánh cửa vượt đỉnh sẽ lại mở ra với Vn-Index, với sự dẫn dắt quen thuộc của nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, cùng một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, MSN, GAS, PLX, VNM, VJC. Thị trường đã một lần thử lửa với biến động của tài chính, chính trị quốc tế và nhanh chóng quay lại đà tăng. Lần thứ hai này, Vn-Index nhiều khả năng đã quen hơn với việc chống đỡ, mang lại tâm lý ổn định hơn cho nhà đầu tư so với những phiên đổ vỡ hồi đầu tháng ai.

Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng rủi ro hiện tại cũng đã xuất hiện rõ ràng hơn. Phiên cuối tuần của chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến pha giảm hơn 400 điểm sẽ là áp lực của Vn-Index ngay đầu tuần tới. Dù trạng thái hoảng loạn chưa xuất hiện trong phiên thứ 6, tuy nhiên nếu "giọt nước" này làm "tràn ly" vào đầu tuần, thị trường lại ngay lập tức rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Do thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nhà đầu tư ưa an toàn nên đứng ngoài cả hai vị thế mua và bán, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải.

Không cần quá lo lắng về thị trường Việt Nam hiện tại, nhưng trước khi Vn-Index thiết lập được trạng thái ổn định và miễn nhiễm với yếu tố bên ngoài, nhà đầu tư vẫn nên nghiêng về phương án thận trọng trong các quyết định của mình vào tuần tới. 

Tin mới lên