Ngân hàng

Từ 21/12, xét xử đại án tham nhũng tại Agribank Nam Hà Nội

Vụ án tham nhũng xảy ra tại ngân hàng Agribank chi nhánh Nam Hà Nội sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm từ ngày 21/12 tới. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày.

Từ 21/12, xét xử đại án tham nhũng tại Agribank Nam Hà Nội

Trụ sở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam

Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết: Ngày 21/12 tới, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án tham nhũng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Nam Hà Nội.

Đây là 1 trong 8 vụ trọng án được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 10 ngày. Thẩm phán Nguyễn Thị Xuân Thu làm chủ tọa phiên tòa.

Vụ án này có 18 bị cáo bị Viện kiểm sát truy tố về các tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

18 bị cáo này gồm: 13 bị cáo nguyên là các cán bộ Ngân hàng Agribank, 4 bị cáo nguyên là cán bộ hải quan và một giám đốc doanh nghiệp. Các bị cáo bị cáo buộc đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.500 tỷ đồng.

Trong số 18 bị cáo, nguyên Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội Phạm Thị Bích Lương (sinh năm 1969, quê Nam Định) bị xác định là bị cáo đầu vụ.

Ngoài ra, một loạt các bị cáo nguyên là cán bộ của Ngân hàng Agribank cũng phải ra trước vành móng ngựa gồm: Phạm Thanh Tân (sinh năm 1955, quê Thái Bình, nguyên Tổng Giám đốc Agribank); Hoàng Anh Tuấn (sinh năm 1962, quê Nam Định, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị Agribank); Kiều Trọng Tuyến (nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ngân hàng Agribank)…

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Công ty Cổ phần Enzo Việt thành lập tháng 7/2007, đăng ký đầu tư xây dựng dự án Nhà máy Dệt - nhuộm - may công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình với số vốn gần 530 tỷ đồng.

Qua 4 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư và cổ đông góp vốn, đầu năm 2011, Enzo Việt đổi tên thành Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam, dự án đổi tên thành Luxfashion.

Thông qua hai công ty ký hợp đồng liên kết nhập khẩu phụ liệu may mặc cho dự án là Công ty Cổ phần Lifepro Việt Nam và Công ty cổ phần Vietmade (cùng do Lê Minh Hiếu làm giám đốc), Liên doanh Lifepro Việt Nam bị cáo buộc dựng "kịch bản" mua máy móc thiết bị, thương hiệu, liên kết kinh tế để tạo lập hồ sơ không có thật... nhằm vay tiền của Agribank Nam Hà Nội.

Viện kiểm sát xác định, bà Phạm Thị Bích Lương (Giám đốc Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) đã chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị nâng quyền phán quyết cho vay chỉ dựa trên thông tin do doanh nghiệp cung cấp, "cố tình bỏ qua các điều kiện giải ngân" theo các nghị quyết của Hội đồng quản trị Agribank Việt Nam.

Khi sự việc được phát hiện, phần lớn nguyên liệu, máy móc, thiết bị mà các công ty ghi trong hợp đồng là tài sản thế chấp đều đã bị chuyển ra nước ngoài. Hiện, nhóm nghi can người nước bị cáo buộc chủ mưu vụ này đã bỏ trốn cùng số tiền chiếm đoạt của ngân hàng tới hơn 2.500 tỷ đồng.

Quá trình điều tra xác định, dù biết đối tác đã hết hạn mức được vay, bà Lương lợi dụng quyền giám đốc đã giúp họ "lách" để được tiếp tục vay tiền.

Chi nhánh đã giải ngân 50 triệu USD cho Liên doanh Lifepro Việt Nam mua 6 thương hiệu "ma" khi không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được hiệu quả khả thi... Số tiền này vượt quá mức cho phép 15 triệu USD và hiện không có khả năng thu hồi...

Tổng cộng, Agribank Nam Hà Nội đã cho vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của Hội sở Agribank Việt Nam…

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ủy quyền cho Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa tới.

Tin mới lên