Tiêu điểm

Tự bào chữa, ông Nguyễn Bắc Son ‘nêu trách nhiệm’ của ông Phạm Đình Trọng

(VNF) – Bị cáo Nguyễn Bắc Son cho rằng việc bị cáo Phạm Đình Trọng (cựu Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp – Bộ Thông tin và Truyền thông) chủ trì cuộc họp ngày 2/10/2015, thống nhất với Mobifone và AVG về việc mua 95% cổ phần AVG với giá gần 9.000 tỷ đồng là trách nhiệm cá nhân của bị cáo Trọng. Việc bị cáo Trọng đứng ra đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông ký biên bản ngày 2/10/2015 mà không được lãnh đạo Bộ ủy quyền là không đúng quy định.

Tự bào chữa, ông Nguyễn Bắc Son ‘nêu trách nhiệm’ của ông Phạm Đình Trọng

Bị cáo Nguyễn Bắc Son

Chiều nay (20/12), phiên tòa xét xử vụ án Mobifone mua AVG tiếp tục với phần bào chữa của các bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, là người bào chữa cuối cùng. Bị cáo Son đã có bài tự bào chữa kéo dài tới gần một giờ rưỡi với rất nhiều nội dung đáng chú ý.

“Tôi không chỉ đạo ông Trọng viết phiếu trình”

Theo bị cáo Nguyễn Bắc Son, Mobifone có đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận việc đầu tư dịch vụ truyền hình bằng hình thức mua lại một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình có sẵn. Khi nhận được đề xuất này, ông Son nói mình đã bút phê, chuyển cho Vụ Quản lý doanh nghiệp đề xuất.

“Đề xuất, tức là theo hướng mở, không phải là đề xuất cho mua hay không cho mua”, ông Son giải thích.

Sau bút phê này, ngày 3/2/2015, Vụ Quản lý doanh nghiệp có phiếu trình, cho rằng đề xuất của Mobifone là hợp lý và đề nghị Bộ chấp thuận. Ông Son nói rằng ông thấy phù hợp nên đồng ý.

“Như vậy, việc đầu tư là do Mobifone đề nghị. Khi có đề nghị, tôi không yêu cầu Vụ Quản lý doanh nghiệp hay anh Trọng phải trình theo hướng cho mua hay không cho mua. Bản luận tội nói thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, Phạm Đình Trọng viết phiếu trình đề nghị… là không đúng. Tôi không chỉ đạo như vậy. Tôi đề nghị xem xét”, ông Son nói.

Bộ Công an nói bán AVG cho doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất

Ông Son cho hay ông biết Phạm Đình Trọng trong một lần Trọng đến chào xã giao ngày lễ, tết, chứ không phải có mối quan hệ trước để giới thiệu cho Mobifone mua AVG.

Ông Son nhấn mạnh việc gợi ý Mobifone nghiên cứu, xem xét mua AVG dựa trên 3 căn cứ.

Một là công văn 337 của Mobifone đề xuất mua một nhà cung cáp dịch vụ truyền hình, Bộ đã có văn bản đồng ý. Hai là Thứ trưởng Trương Minh Tuấn (khi đó) có thư gửi, nhấn mạnh đây là cơ hội để một đơn vị nhà nước mua AVG. Ba là Bộ Công an có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, đề nghị Bộ chỉ đạo AVG không bán cổ phần cho nước ngoài, chỉ nên bán trong nước mà bán cho doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất.

“Với 3 căn cứ này, tôi thấy doanh nghiệp mình đang có nhu cầu, mình nói anh em nghiên cứu thôi”, ông Son nói và cho biết sau đó, ông gặp Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch Mobifone) nói chuyện này.

“Anh Trà nói đang triển khai, nghiên cứu. Tôi bảo trong quá trình xem xét MyTV, SCTV, VTV Cab… thì có thể xem xét nghiên cứu thêm AVG. Tôi nói đúng tinh thần như thế. Xem xét để mua chứ không phải như cáo trạng là tôi định hướng mua AVG”, ông Son nhấn mạnh.

Ông Son nêu trách nhiệm của ông Phạm Đình Trọng

Về cuộc họp hôm 2/10/2015 và biên bản cuộc họp, ông Son cho hay khi nhận văn bản số 58 của Mobifone (đề xuất mua 95% AVG với giá hơn 11.000 tỷ đồng, tức mua cả phần ngoài truyền hình với trị giá hơn 2.000 tỷ đồng), ông Son đã có viết thư công tác gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp (thư viết ngày 1/10/2015).

Tong thư này, ông Son giao Vụ Quản lý doanh nghiệp làm việc với Mobifone và AVG theo tinh thần AVG phải thoái phần kinh doanh ngoài truyền hình ra khỏi hợp đồng mua bán, nếu không hợp đồng sẽ không thừa nhận vốn ngoài truyền hình.

“Thư không nói gì tới giá mua, vì tôi nghĩ giá mua do Mobifone quyết. Tôi chỉ yêu cầu giảm giá mua theo nguyên tắc không mua phần ngoài truyền hình. 95% sở hữu phải là 95% giá trị của phần truyền hình.

“Thư chỉ giao nhiệm vụ cho Vụ Quản lý doanh nghiệp để Vụ yêu cầu AVG loại vốn đầu tư ngoài ngành ra khỏi hợp đồng. Tuyệt nhiên tôi không chỉ đạo 2 lĩnh vực kinh doanh ngoài truyền hình của AVG không tính tiền hoặc tính 0 đồng như cáo buộc. Đề nghị giám định lại thư của tôi”, ông Son nói.

Ông Son cũng khẳng định thư công tác không có nội dung nào ủy quyền cho Vụ Quản lý doanh nghiệp, cụ thể là ông Phạm Đình Trọng, ký biên bản ngày 2/10/2015.

“Có thể nói cuộc họp ngày 2/10/2015 do anh Trọng chủ trì không thực hiện theo nội dung thư, không theo công văn 189 mà tôi ủy quyền anh Trọng ký. Việc anh Trọng thống nhất với Mobifone và AVG về việc giá mua 95% cổ phần AVG với giá gần 9.000 tỷ là trách nhiệm cá nhân của ông Phạm Đình Trọng. Đây là việc làm không phù hợp.

“Việc anh Trọng đứng danh nghĩa đại diện Bộ ký biên bản ngày 2/10/2015 mà không có lãnh đạo Bộ ủy quyền là không đúng quy định.

“Việc anh Trọng ký biên bản với danh nghĩa đại diện Bộ dẫn đến Mobifone hiểu nhầm rằng Bộ đồng ý cho Mobifone mua với giá này nên họ đã dừng đàm phán giá”, ông Son phân tích.

Cựu Bộ trưởng cũng cho hay sau khi ký biên bản, ông Phạm Đình Trọng không hề báo cáo lại bộ. “Tôi không biết, nếu biết tôi đã nói việc ký này là không phù hợp và yêu cầu bỏ biên bản để Mobifone tiếp tục đàm phán”.

Cũng theo ông Son, ông Phạm Đình Trọng cũng không báo cáo 2 Thứ trưởng (Trương Minh Tuấn, Phạm Hồng Hải) là mình đã ký biên bản nên 2 Thứ trưởng không có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

“Nếu có thì anh Tuấn, anh Hải sẽ nói việc ký là không phù hợp, để Mobifone đàm phán thì chắc giá sẽ thấp hơn”, ông Son nói.

Theo ông Son, cuộc họp ngày 2/10/2015 có vị trí quan trọng trong việc quyết định giá mua cao đối với cổ phần AVG. “Tôi đề nghị hội đồng xét xử xem xét. Tôi muốn nói không phải do thư công tác của tôi dẫn đến thỏa thuận thống nhất giá mua cao như thế này. Đề nghị giám định thư của tôi”.

Việc lập tổ thẩm định là ý kiến của các lãnh đạo Bộ

Về nội dung lập tổ thẩm định, cáo trạng viết Bộ Thông tin và Truyền thông không có chức năng thẩm định, nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo Phạm Đình Trọng lập tổ thẩm định.

Phản bác cáo buộc này, ông Son cho hay khi Bộ Thông tin và Truyền thông lập Vụ Quản lý doanh nghiệp, quyết định chức năng nhiệm vụ của Vụ đã có câu: Vụ chủ trì, thẩm định các dự án của các doanh nghiệp thuộc Bộ để báo cáo Bộ.

Do đó, sau khi xem xét các văn bản 50, 63 của Mobifone, nhận thấy để Mobifone đầu tư dự án, cần thiết phải báo cáo Thủ tướng, nên ông Son đã cho lập tổ thẩm định, giao cho Thứ trưởng Trương Minh Tuấn chỉ đạo.

Theo ông Son, ngày 17/10/2015, Phạm Đình Trọng làm phiếu trình 287 trình lãnh đạo Bộ lập tổ thẩm định. Trong phiếu trình này, Thứ trưởng Tuấn xem và ghi đồng ý với đề xuất, báo cáo Bộ trưởng.

“Căn cứ của phiếu trình là kết luận của lãnh đạo Bộ ngày 6/10 chứ không phải căn cứ theo chỉ đạo của cá nhân tôi. Trong khi đó, lời khai của anh Trọng lại khép tội tôi là thực hiện theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son! Đây là căn cứ theo kết quả họp của lãnh đạo Bộ.

“Tất cả phiếu trình do anh Trọng đề xuất, anh Tuấn đồng ý, chuyển tôi, tôi thấy phù hợp với ý kiến lãnh đạo Bộ, tôi hoàn toàn tin tưởng và ký phiếu trình”, ông Son nhấn mạnh việc lập tổ thẩm định do Phạm Đình Trọng chủ động đề xuất.

Ông Son nói cáo trạng “thêm chữ” và “bớt chữ”

Cáo trạng viết sau khi Văn phòng Chính phủ có thông báo, ông Son có bút phê chuyển Thứ trưởng Hải chỉ đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp chỉ đạo Mobifone thực hiện dự án trong năm tài chính 2015.

Phản bác cáo buộc này, ông Son cho hay sau khi nhận được thông báo của Văn phòng Chính phủ, “tôi nhận thức Thủ tướng chấp thuận chủ trương nên tôi ghi: chuyển anh Hải, Vụ Quản lý doanh nghiệp xây dựng văn bản chỉ đạo Mobifone thực hiện theo tinh thần này, trong năm tài chính 2015 như đề xuất của Mobifone, anh Hải thay mặt lãnh đạo Bộ ký”.

“Nhưng cáo trạng lại thêm cho tôi 4 chữ ‘triển khai dự án’. Trong bút phê của tôi không có 4 chữ này. Đã vậy còn bớt của tôi mấy chữ ‘trong năm tài chính 2015 như đề nghị của Mobifone’. Như vậy tôi thành người chỉ đạo. Cái này không đúng với bút phê của tôi”, ông Son phân trần.

Vẫn theo ông Son, sau khi nhận văn bản của Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Hải gặp ông, tỏ ý phân vân về giá mua, thủ tục, đề nghị Bộ trưởng không ban hành văn bản gửi Mobifone mà gửi văn bản hỏi Bộ Tài chính.

Ông Son nói mình rất cầu thị nên đã giao ông Hải làm văn bản gửi Bộ Tài chính. “Như vậy, anh Hải báo cáo tôi chứ không phải anh Hải thấy phân vân nên ký. Đề nghị xem xét lại vì điều này đang là tình tiết tăng nặng cho tôi”, ông Son bày tỏ.

"Sớm đề xuất" chứ không phải "thực hiện ngay"

Theo ông Son, cáo trạng cáo buộc rằng ông chỉ đạo phải triển khai ngay dự án. Tuy nhiên, ông Son khẳng định ông không có nội dung nào chỉ đạo phải thực hiện ngay.

Cụ thể, sau khi nhận được công văn 2889 ngày 211/12/2015 của Bộ Công an, ông Son đã phê với tinh thần: chuyển Vụ Quản lý doanh nghiệp sớm đề xuất.

“Trong quá trình chỉ đạo, với tinh thần cẩn trọng, chặt chẽ, tôi không phê duyệt mà chỉ ghi sớm đề xuất. Nếu tôi muốn chỉ đạo thực hiện dự án ngày trong năm 2015, tôi đã không hỏi Bộ Tài chính, ngược lại tôi nhất trí với anh Hải hỏi Bộ Tài chính. Anh Hải cũng không yêu cầu Bộ Tài chính khi nào phải trả lời.

“Nếu tôi thúc đẩy dự án tôi đã không hỏi Bộ Công an, nhưng tôi đã chủ động hỏi Bộ Công an. Tôi cũng không yêu cầu Bộ Công an trả lời ngày nào. Khi trả lời, tôi không phê duyệt ngay mà nói sớm đề xuất. Tôi không yêu cầu đề xuất theo hướng phê duyệt.

“Tôi muốn nói sớm đề xuất là mở cả về nội dung và thời gian, không áp đặt theo hướng nào”, ông Son trình bày.

Ông Trương Minh Tuấn đã ký 6/9 văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông về vụ AVG

Ông Son cho hay dự án AVG thuộc lĩnh vực do ông Trương Minh Tuấn phụ trách. Ngay khi AVG có văn bản, ông đã giao ông Tuấn chỉ đạo. Sau đó, ông Tuấn được phân công ký các văn bản của dự án này.

“Trong dự án, Bộ ký 9 văn bản thì anh Tuấn ký 6 cái”, ông Son nói, “Như vậy có thể nói anh Tuấn là người nắm rõ dự án này”.

Ông Son cũng khẳng định ông Tuấn trực tiếp chỉ đạo Tổ thẩm định chứ không phải chỉ tham gia tổ thẩm định. Trong quá trình đó, ông Tuấn ký nhiều văn bản, hầu hết các văn bản quan trọng, chứ không phải chỉ một số văn bản liên quan như cáo trạng viết.

Nhắc tới việc cáo trạng viết ông Tuấn được hứa hẹn lên làm Bộ trưởng, ông Son nói: “Tôi không ấu trĩ để nói như vậy”.

Xin giảm án cho thuộc cấp

Nội dung sau cùng được ông Son nói tại tòa là xin hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phạm Đình Trọng.

Riêng ba bị cáo: Hồ Tuấn, Phan Thị Hoa Mai, Nguyễn Đăng Nguyên, ông Son đề nghị hội đồng xét xử khoan hồng, chỉ nên xử án treo.

“Cá nhân tôi, tôi đã gặp gia đình, đã trao đổi, nói sớm khắc phục cho tôi. Trong những ngày tới đây, gia đình tôi sẽ cố gắng khắc phục”, ông Son nói.

Tin mới lên