Tài chính

Tự doanh 'nhấn chìm' kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán

(VNF) - Diễn biến quá xấu của thị trường chứng khoán Việt Nam trong quý I/2020 đã ảnh hưởng nặng nề đến kết quả kinh doanh của bộ phận tự doanh, khiến nhiều công ty chứng khoán thua lỗ.

Tự doanh 'nhấn chìm' kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán

Tự doanh 'nhấn chìm' kết quả kinh doanh của nhiều công ty chứng khoán

Mùa công bố báo cáo tài chính quý I đã bắt đầu. Điểm đáng chú ý trong quý I là ngay đầu mùa công bố đã xuất hiện nhiều công ty chứng khoán báo lỗ, trong đó, nguyên nhân quan trọng đến từ hoạt động tự doanh.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2020 của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), doanh thu quý đầu năm của công ty đạt gần 89,5 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu giảm, cộng với việc chi phí tăng đột biến 45,9% đã khiến BVSC lỗ sau thuế 22,7 tỷ đồng trong quý I/2020. Đây là quý lỗ đầu tiên của BVSC kể từ đầu năm 2012.

BVSC cho hay, doanh thu sụt giảm trong quý đầu năm chủ yếu do chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính giảm 16,1 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cũng cho thấy, khối tự doanh đã thực hiện cắt lỗ cổ phiếu và nhiều khoản đầu tư khác. Theo đó, BVSC đã bán ra 185,7 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết với giá gốc là 195,3 tỷ đồng, tương đương mức lỗ hơn 9,6 tỷ đồng. Đồng thời ghi nhận khoản lỗ 2,1 tỷ đồng và 3 tỷ đồng khi bán cắt lỗ hơn 1 triệu cổ phiếu CTG và MBB.

Ngoài ra, việc bán cắt lỗ hơn 6 triệu chứng chỉ quĩ niêm yết cũng khiến doanh nghiệp này lỗ hơn 5 tỷ đồng trong quý I.

Chịu ảnh hưởng nặng nề hơn là trường hợp của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC). Doanh nghiệp này lỗ tới 88,4 tỷ đồng trong quý vừa qua. Đây là khoản lỗ một quý kỷ lục của VDSC từ trước đến nay.

Kết quả kém tích cực trong quý I chủ yếu đến từ việc thua lỗ của hoạt động tự doanh. Theo báo cáo tài chính, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của VDSC đạt 2,93 tỷ đồng nhưng số lỗ FVTPL lên tới 105,9 tỷ đồng. Đồng nghĩa, hoạt động tự doanh của công ty lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng.

DIG, BSR, DXG là những cổ phiến khiến VDSC lỗ lớn.

Chung cảnh ngộ với VDSC và BVSC là trường hợp của Công ty Chứng khoán Everest (EVS) khi ghi nhận mức lỗ 11,3 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ hai liên tiếp, chủ yếu do chi phí hoạt động tăng mạnh do biến động của các tài sản tài chính.

Theo công bố trên báo cáo tài chính, khối tự doanh của EVS đã bán cắt lỗ nhiều cổ phiếu, cụ thể như khoản lỗ 23,1 tỷ đồng khi bán ra 5,5 triệu cổ phiếu GEX của Gelex hay các khoản lỗ liên quan đến MSN (9,1 tỷ đồng), VNM (5,1 tỷ đồng). Tổng khoản lỗ của cổ phiếu bán ra ghi nhận ở mức gần 40 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, khối tự doanh công ty chứng khoán này cũng ghi nhận khoản lãi 15,9 tỷ đồng và 11,3 tỷ đồng đối với cổ phiếu CAV và TBD.

Nối dài danh sách lỗ là Công ty Chứng khoán FPT (FPTS). Doanh thu hoạt động của doanh nghiệp này thậm chí còn bị âm (-56,5 tỷ đồng) chủ yếu do thực hiện đánh giá lại cổ phiếu MSH của May Sông Hồng (MSH), dẫn đến lãi tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) âm 144,6 tỷ đồng. 

Chốt quý, FPTS lỗ tới 97 tỷ đồng, trái ngược so với mức lãi lên đến 103 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý lỗ thứ hai liên tiếp.

Diễn biến thị trường quá xấu trong quý I khi VN-Index giảm tới hơn 30% cũng kéo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vào vòng xoáy thua lỗ.

Theo đó, mặc dù doanh thu hoạt động trong kỳ đạt gần 216 tỷ đồng, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng do chi phí hoạt động trong kỳ tăng đột biến 2,9 lần lên mức 242,8 tỷ đồng nên chốt quý, BSC lỗ gần 61 tỷ đồng.

Nguyên nhân không gì khác ngoài hoạt động tự doanh. Khoản lỗ tài sản FVTPL đã tăng gấp gần 5 lần trong quý vừa qua, lên 205 tỷ đồng. 

Đây cũng là quý thứ hai liên tiếp công ty chứng khoán này báo lỗ. Trước đó, BSC đã lỗ gần 1 tỷ đồng trong quý IV/2019.

Cập nhật mới nhất ghi nhận thêm Công ty Chứng khoán BOS khi tự doanh lỗ nặng trong kỳ khiến công ty lỗ ròng hơn 38 tỷ đồng.

Danh sách lỗ theo đó còn có thể nối dài hơn nữa.

Tin mới lên