Tài chính quốc tế

Từ khi được thêm vào giỏ tiền tệ quốc tế, Nhân dân tệ ngày càng 'mất bóng'

(VNF) - Các nhà quản lý quỹ vẫn thận trọng trước nguy cơ can thiệp tiền tệ của chính phủ Trung Quốc bất chấp sự phục hồi của đồng Nhân dân tệ

Từ khi được thêm vào giỏ tiền tệ quốc tế, Nhân dân tệ ngày càng 'mất bóng'

Nhân dân tệ dường như đang càng ngày càng 'mất bóng' trên thị trường quốc tế

Gần đây, Sàn giao dịch Năng lượng Quốc tế Thượng Hải đã cho ra mắt hợp đồng tương lai dầu thô bằng đồng Nhân dân tệ (CNY) vào ngày 26 tháng 3. Trung Quốc tỏ rõ mong muốn cắt bỏ sự phụ thuộc của đồng CNY vào đồng USD và sự ra đời của một hợp đồng tương lai dầu thô bằng nội tệ không chỉ giúp Trung Quốc kiểm soát giá cả dầu thô, mà còn mở đường cho đồng Nhân dân tệ được sử dụng rộng rãi hơn trong thương mại quốc tế.

Qua hàng thập kỷ tăng trưởng kinh tế bùng nổ, Trung Quốc từng liên tục hạn chế việc mở cửa cho đồng Nhân dân tệ, thậm chí đến năm 2010, Nhân dân tệ ở hải ngoại vẫn không biến chuyển là mấy so với 30 năm trước.

Tuy nhiên, trong gần một thập niên này, Trung Quốc đã tích cực đẩy mạnh việc quốc tế hoá đồng Nhân dân tệ. Chính sách mới đã cho phép các công ty và cá nhân có thể bắt đầu nắm giữ các khoản tiền gửi bằng đồng Nhân dân tệ ở Hồng Kông. Một loạt các sáng kiến tiếp theo đã cho thấy thành quả về vị thế của đồng Nhân dân tệ trên toàn cầu.

Người nắm giữ đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài được cấp quyền tiếp cận các chứng khoán có thu nhập bằng đồng Nhân dân tệ thông qua Chương trình Renminbi Qualified Foreign Institutional Investors. Thị trường trái phiếu trong nước đã được mở cửa cho các tổ chức tài chính nước ngoài tham gia vào năm 2016. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng thực hiện nhiều hợp đồng hoán đổi Nhân dân tệ với hàng chục đối tác.

Kết quả của những nỗ lực này là đồng Nhân dân tệ đã được thêm vào giỏ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10 năm 2016.

Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy đồng Nhân dân tệ chỉ là một cơ hội thương mại ngắn hạn.

Hồng Kông là trung tâm tiền gửi nhân dân tệ hải ngoại lớn nhất, tiếp theo là London, Đài Bắc và Singapore. Từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2012, tổng tiền gửi nhân dân tệ hải ngoại tại Hồng Kông đã tăng vọt từ 64 tỷ nhân dân tệ (10,2 tỷ USD) lên 589 tỷ nhân dân tệ và lên tới mức cao nhất là 1 nghìn tỷ nhân dân tệ hai năm sau đó.

Sự gia tăng tiền gửi bằng Nhân dân tệ ở Hồng Kông phần nào dẫn tới sự sụt giảm của tiền gửi bằng đồng USD. Động thái này hoàn toàn hợp lý vì tiền gửi bằng USD có lãi suất không đáng kể.

Thời điểm mùa hè năm 2015, với việc đồng Nhân dân tệ tăng cao so với đồng USD, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) không cảnh báo trước đã đẩy đồng nhân dân tệ giảm hơn 3% trong 3 ngày.

Tất cả những kỳ vọng của một đồng tiền được quản lý tốt đều bị xua tan. Đồng Nhân dân tệ dần "mất bóng" và bắt đầu suy yếu. Không đáng ngạc nhiên khi lượng tiền gửi Nhân dân tệ ở nước ngoài bắt đầu giảm. Trong hai năm tiếp theo, tiền gửi nhân dân tệ ở Hồng Kông giảm gần một nửa.

Mặc dù lãi suất đã tăng đáng kể, tiền gửi Nhân dân tệ vẫn không thể hồi phục ở Hồng Kông, Singapore hay Đài Loan.

Dữ liệu từ Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) cho thấy mức độ sử dụng đồng Nhân dân tệ cho các khoản thanh toán quốc tế cũng chỉ ngang với đồng Canada và không phải là mối đe dọa lớn đối với đồng Euro hay USD. Đồng CNY hiện đang đứng ở vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng các loại tiền tệ được sử dụng nhiều nhất đối với các khoản thanh toán quốc tế.

Sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của chính phủ Trung Quốc được cho là phương tiện lý tưởng để thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hoài nghi và mơ hồ xung quanh tham vọng này của Trung Quốc.

Thay vì mở ra một kỷ nguyên mới, thời điểm đồng Nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế của IMF dường như đánh dấu một mốc thời gian mà đồng tiền này bắt đầu "mất bóng" trên thị trường toàn cầu.

Kiểm soát vốn vẫn hiệu quả. Lượng tiền khổng lồ đổ ra nước ngoài xuất hiện sau khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá trong năm 2015 đã giảm nhưng vẫn còn những lo ngại nghiêm trọng về những bước đi của chính phủ trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng khác.

Quy mô kinh tế của Trung Quốc không phải là vấn đề nhưng câu trả lời cho câu hỏi chúng ta có thể làm gì với đồng nhân dân tệ chỉ là "rất ít".

Trở lại năm 2010, nhiều ngân hàng đầu tư và các chuyên gia đã kỳ vọng quá cao vào việc quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ. Một số người tiên đoán rằng đồng tiền này sẽ cơ bản được tự do chuyển đổi vào năm 2015. Một số khác nghĩ rằng Nhân dân tệ sẽ được tự do hóa chuyển đổi hoàn toàn trong một thập kỷ. Và những dự đoán này hoàn toàn đã không đạt được kỳ vọng.

Rõ ràng, các công ty và thị trường Trung Quốc vẫn là cơ hội cho các nhà đầu tư, nhưng điều này không đúng với đồng Nhân dân tệ.

>>> Xem thêm: Tin forex mới nhất 2018

Tin mới lên