Thị trường

‘Từ lúc giải tán Bộ Thủy lợi, quản lý nguồn nước bị bỏ ngỏ, các bộ chỉ quan tâm thu phí’

(VNF) – Đó là nhận xét của TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh (CEGR), nêu ra tại tọa đàm an ninh nguồn nước và thị trường nước cạnh tranh tổ chức sáng 2/12 tại Hà Nội.

‘Từ lúc giải tán Bộ Thủy lợi, quản lý nguồn nước bị bỏ ngỏ, các bộ chỉ quan tâm thu phí’

Việc quản lý nước đang bị bỏ ngỏ (ảnh minh họa)

Theo ông Sơn, trước đây Chính phủ có Bộ Thủy lợi và bộ này quản lý toàn bộ nguồn nước, từ nước mặt, nước ngầm đến việc sử dụng nguồn nước cho tưới tiêu, sản xuất… Tuy nhiên, từ lúc giải tán Bộ Thủy lợi, 10 năm qua, “gần như quản lý nước bị bỏ ngỏ, các bộ chỉ quan tâm thu phí”.

Ông Sơn cho rằng việc thả lỏng quản lý nguồn nước đang ở mức “thả lỏng toàn bộ”. Về nước mặt, từ hơn 10 năm trước đã có những trường hợp như Vedan xả thải làm ô nhiễm sông Thị Vải rồi tới đây là Miwon xả thải ở Phú Thọ.

“Cách đây khoảng 5 năm, chúng tôi đi đánh giá ở Hà Tĩnh, có thể nói là rất nhiều ao hồ, sông suối bị ô nhiễm đến không thể sử dụng. Rõ ràng khi nguyên liệu đầu vào để sản xuất nước ô nhiễm như thế thì chi phí xử lí sẽ rất cao và việc giảm giá nước là rất khó”, ông Sơn giải thích vì sao giá nước Việt Nam cao hơn các nước.

Không chỉ nước mặt mà, theo ông Sơn, ngay cả nước ngầm cũng đang bị thả lỏng về quản lý. “Nước ngầm bây giờ cũng là mạnh ai nấy xin. Chúng tôi không biết là đơn vị nào của Chính phủ quản lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường hay Bộ Xây dựng? Bộ Nông nghiệp có tham gia không cũng không thể biết. Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương có tham gia nhưng cũng rất ít…”.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Sơn cho hay ở Hoa Kỳ, mỗi bang có một cơ quan quản lý các dịch vụ thiết yếu (như điện, nước, gas, xăng dầu…). Cơ quan này kiểm soát giá cả, nguyên liệu đầu vào, lợi nhuận của nhà đầu tư… Cứ 3 tháng một lần, họ sẽ tổng hợp để tìm kiếm các vấn đề và cách giải quyết.

“Việt Nam không có một cơ quan như vậy. Ta gần như thả lỏng cho các địa phương muốn làm gì thì làm, muốn quy hoạch hay đưa ra mô hình nào cũng được”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho rằng nhiều người nhấn mạnh yếu tố thị trường nhưng lại quên mất trách nhiệm quản lý của nhà nước về quy hoạch trong mạng lưới phân phối.

“Ví như bài toán cạnh tranh, nếu tôi không mua được cái này thì tôi được quyền mua cái kia, vì thế hệ thống phân phối phải liên thông với nhau. Nếu hệ thống nước sông Đuống chảy vào chỗ này được thì sông Đà cũng phải vào được, thế thì mới có cạnh tranh. Nhưng bây giờ mạng lưới quy hoạch thế nào, ai quản lý cái đó, hoàn toàn không có thông tin. Không có thông tin thì không đánh giá được việc quản lý, tình trạng liên thông hay cách xử lý thế nào. Chính quyền Hà Nội không chia sẻ cái này cho người dân. Vậy trong trường hợp có sự cố gì đó thì một nửa Hà Nội gần như bị bắt làm con tin.

“Liệu có tình trạng 5 – 10 năm nữa, các nhà máy cung ứng đã bị cổ phần hóa rồi và ta bị bắt làm con tin không?”, ông Sơn nêu vấn đề và khẳng định: “Phải có quản lý rõ ràng về giá, về chất lượng, nếu không sẽ tạo ra mầm mống khủng hoảng về sau”.

Tin mới lên