Xe

Từ ngày 1/9: Cấm cải tạo xe 16 chỗ thành limousine chở khách, gửi hàng phải khai thông tin

(VNF) - Cấm cải tạo xe 16 chỗ thành xe limousine dưới 10 chỗ chở khách và phải khai báo thông tin khi gửi hàng hóa bằng xe khách là hai nội dung đáng chú ý liên quan tới ngành vận tải ô tô có hiệu lực từ ngày 1/9/2022.

Cấm cải tạo xe 16 chỗ thành xe limousine dưới 10 chỗ chở khách

Chính phủ gần đây đã ban hành Nghị định 47/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Nghị định mới này được bổ sung khoản 3 Điều 13 Nghị định 10/2020 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Theo đó, các loại xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên không được cải tạo thành xe ô tô dưới 10 chỗ (gồm cả tài xế) để kinh doanh vận tải hành khách. Đồng thời, không sử dụng xe ô tô kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên (gồm cả tài xế) để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

Đối với những trường hợp đã cải tạo xuống dưới 10 chỗ và đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày Nghị định 47 có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh cho đến hết niên hạn sử dụng.

Hiện nay, hoạt động chở khách liên tỉnh dưới hình thức đưa, đón tận nơi trở nên rất khá phổ biến. Các nhà xe thường cải tạo các loại xe 16 chỗ thành dưới 10 chỗ và gọi là xe limousine.

Quy định mới này nhằm siết chặt hoạt động của những xe 16 chỗ cải tạo thành xe limousine chuyên chở khách nhưng đăng ký kinh doanh là xe hợp đồng. Những xe Limousine liên tục đón/trả khách trong khu vực nội thành thường gây ách tắc giao thông.

Gửi hàng hóa xe khách phải khai báo thông tin

Nghị định 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có hiệu lực từ ngày 1/9/2022, trong đó có quy định mới khi gửi hàng hóa bằng xe khách phải khai số CCCD/CMND của người gửi và người nhận.

Căn cứ Khoản 1, Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung điểm đ vào khoản 3, điều 11 Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ô tô (người gửi hàng hóa không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin.

Cụ thể, người dân ký gửi hàng hóa xe khách nhưng không đi theo xe thì phải khai tên hàng hóa, cân nặng hàng hóa (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số CCCD/CMND, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Điều đáng nói là quy định hiện đang nhận được hai luồng ý kiến trái chiều. Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng điều này là rất cần thiết nhằm đảm bảo minh bạch, an toàn về loại hàng hóa, nguồn gốc gửi - nhận, loại bỏ tối đa nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm oan của nhà xe. Tuy nhiên, một số bộ phận người dân lại băn khoăn, lo ngại xảy ra tình trạng lợi dụng thông tin cá nhân để trục lợi.

Xem thêm: Cận cảnh xe điện VinFast VF9 tại nhà máy, sẵn sàng tới tay khách hàng

Tin mới lên