Tài chính

Từng mơ doanh thu 5.000 tỷ, BIDGroup của ông Trần Văn Mạnh đã làm được gì trong 5 năm qua?

(VNF) – Từng mơ lớn với mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ vào năm 2020, thế nhưng kết quả kinh doanh của BIDGroup trong giai đoạn 2016 – 2020 lại khá thất vọng khi doanh thu trồi sụt và số lãi sau thuế ở mức “lẹt đẹt”.

Từng mơ doanh thu 5.000 tỷ, BIDGroup của ông Trần Văn Mạnh đã làm được gì trong 5 năm qua?

Từng mơ doanh thu 5.000 tỷ, BIDGroup của ông Trần Văn Mạnh đã làm được gì trong 5 năm qua? (ảnh: dự án BID Residence do BIDGroup phát triển trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông, Hà Nội)

BIDGroup: Những kế hoạch dở dang

Công ty Cổ phần BIDGroup có tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng đô thị - BID Việt Nam, được thành lập năm 2006 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng.

Khởi đầu là một nhà thầu nhỏ với các công trình thủy điện, đê kè, trụ sở doanh nghiệp, hạng mục trong dự án nhà ở thu nhập thấp, BIDGroup tiến tới đẩy mạnh hoạt động thi công xây lắp, đầu tư kinh doanh bất động sản, xuất nhập khẩu vật tư, trang thiết bị chuyên dụng.

Năm 2015, BIDGroup chuyển sang mô hình tập đoàn. Năm 2016 thì tiến hành tái cấu trúc với tham vọng trở thành doanh nghiệp tốp đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực mà công ty này theo đuổi.

Thời điểm tái cấu trúc, ông Trần Văn Mạnh – chủ tịch HĐQT BIDGroup (người sở hữu 82,4% cổ phần công ty tính đến hết năm 2019) - tuyên bố rằng công ty này sẽ sớm trở thành nhà thầu chính chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế đồng thời là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam ở phân khúc giá rẻ với doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng vào năm 2020.

BIDGroup cũng đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán vào năm 2017. Website của công ty này cũng lập hẳn một mục “Quan hệ cổ đông” với các tài liệu cơ bản như: cáo bạch, báo cáo tài chính, báo cáo thường niên… song tất cả đều để trống.

Trên thực tế, tính đến tháng 5/2021, BIDGroup vẫn là một công ty cổ phần chưa đại chúng chứ đừng nói đến chuyện niêm yết trên sàn. Các mục tiêu đầy tham vọng của ông Trần Văn Mạnh vạch ra hồi 2016 đến nay vẫn chỉ là một giấc mơ khi BIDCons còn non yếu và các dự án phần nhiều vẫn dở dang.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, danh mục dự án nhà ở của BIDGroup không phải là ít, có thể kể đến như: The Garden Hill (99 Trần Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), CT Number One (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), AZ Sky Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), AZ Lâm Viên Complex (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội), Bright City (Kim Chung, Hoài Đức Hà Nội), BID Residence (Hà Đông, Hà Nội), The Courtyard Residence (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), BIDHomes Eden Garden (TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình), Lilama Tower (khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội), I-Tower Quy Nhơn (Bình Định), khu dân cư mới Tân Tiến – khu dân cư mới Giang Đông – khu đô thị dịch vụ tổng hợp và dân cư Giang Nam (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình); khu đô thi mới Tân Phong (Lai Châu), trung tâm thương mại Tân An (Buôn Mê Thuột).

Trong số các dự án này, BIDGroup mới chỉ hoàn thành được một số, đa phần theo cách hồi sinh các dự án “chết lâm sàng” nhiều năm qua như: The Garden Hill, AZ Lâm Viên, AZ Sky Định Công… hay gần nhất là BID Residence (tức dự án CT1-104 Usilk City, đối diện CT2 – 105, tức HPC Landmark 105 của Hải Phát).

Trong một nỗ lực có nguồn tài chính triển khai các dự án nhà ở, hồi tháng 5/2021, BIDGroup đã huy động 200 tỷ đồng bằng việc phát hành riêng lẻ 200 trái phiếu không chuyển đổi.

Trong đó, 100 tỷ đồng sẽ được BIDGroup dùng góp vốn vào Công ty TNHH Địa ốc Eden Garden để thực hiện dự án “Xây dựng chỉnh trang khu tập thể 4 – 5 tầng phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình”. 100 tỷ đồng còn lại dùng để bổ sung vốn lưu động cho hoạt động mua bán nguyên vật liệu xây dựng, hoạt động xây lắp, hoạt động kinh doanh bất động sản và hoạt động khác của công ty.

Tuy vậy, tương lai của các dự án nhà ở do BIDGroup triển khai như thế nào thì tới nay vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

“Một nhiệm kỳ” thất vọng

Nếu lấy 5 năm làm một nhiệm kỳ thì nhiệm kỳ vừa qua (2016 – 2020) của BIDGroup khá đáng thất vọng khi doanh thu trồi sụt và lợi nhuận rất mỏng.

Cụ thể, về doanh thu, năm 2016, BIDGroup đạt 383 tỷ đồng, năm 2017 tăng lên 411 tỷ đồng, song năm 2018 lại giảm mạnh còn 224 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu một lần nữa gượng dậy lên được 303 tỷ đồng nhưng bước sang năm 2020 lại bị đánh quỵ xuống chỉ còn 110 tỷ đồng.

Như vậy, có thể thấy, sau 5 năm, doanh thu của công ty không những không vươn lên được mục tiêu 5.000 tỷ đồng mà còn bị thụt lùi xuống đáy. Tính ra, doanh thu năm 2020 chỉ bằng 1/3 năm 2016, 1/4 năm 2017, 1/2 năm 2018 và 1/3 năm 2019.

Lợi nhuận gộp của công ty cũng phập phù như diễn biến của doanh thu cùng giai đoạn, lần lượt là: 37 tỷ đồng, 39 tỷ đồng, 16 tỷ đồng, 39 tỷ đồng và 24 tỷ đồng.

Dù vậy, biên lợi nhuận gộp của công ty lại cải thiện rất đáng kể, từ đáy 7,1% năm 2018 lên 12,8% năm 2019 và 21,8% năm 2020.

Tuy nhiên, biên lãi gộp không có nhiều ý nghĩa khi các khoản chi phí ăn mòn gần hết lợi nhuận. Giai đoạn 2016 – 2020, lợi nhuận trước thuế của BIDGroup rất mỏng, lần lượt là: 2,3 tỷ đồng (2016), 583 triệu đồng (2017), 7,5 tỷ đồng (2019) và 132 triệu đồng (2020). Cá biệt năm 2018, công ty còn lỗ đậm 23,6 tỷ đồng.

Về tài sản, xét riêng 2 năm gần nhất (2019 – 2020), BIDGroup có sự tăng trưởng về quy mô tổng tài sản, từ 1.449 tỷ đồng lên 1.709 tỷ đồng (chủ yếu do tăng tài sản ngắn hạn).

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng đáng kể từ 719 tỷ đồng lên 932 tỷ đồng, tương đương tăng 29%. Tỷ trọng của các khoản phải thu ngắn hạn trong tổng tài sản tăng từ 49,6% lên 54,5%.

Đáng chú ý, hàng tồn kho tăng rất mạnh từ 1,3 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng, tức tăng gấp 30 lần.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của BIDGroup cũng gia tăng đáng kể từ 940 tỷ đồng lên 1.199 tỷ đồng, tức tăng 27,5%, chủ yếu do tăng nợ ngắn hạn (từ 764 tỷ đồng lên 1.030 tỷ đồng). Nợ phải trả là nguồn gốc của 70% tổng tài sản (năm 2020).

Diễn biến đáng quan tâm của nợ là sự gia tăng khá nhanh của nợ vay ngắn hạn, từ 123 tỷ đồng lên 184 tỷ đồng, tức tăng gần 50%. Trong khi đó, nợ vay dài hạn chỉ giảm nhẹ từ 175 tỷ đồng xuống 168 tỷ đồng.

Điều đặc biệt quan trọng khi nhìn vào cơ cấu nợ - tài sản của BIDGroup là ở năm 2019, nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn (764 tỷ đồng/743 tỷ đồng). Điều này cho thấy khả năng thanh toán của công ty trong năm 2019 đã ở mức báo động.

Năm 2020, BIDGroup đã cố gắng cải thiện tình hình này, song có thể thấy mức độ cải thiện là không lớn, tỷ lệ tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn chỉ là là 1.051 tỷ đồng/1.030 tỷ đồng.

Về vốn chủ sở hữu, trong 2 năm 2019 – 2020, BIDGroup không tiến hành tăng vốn. Vốn chủ sở hữu chỉ được bồi đắp bằng lợi nhuận ít ỏi có được, đạt 509 tỷ đồng. Bởi vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đã tăng từ 1,8 lần lên 2,3 lần – một mức đáng quan ngại với các doanh nghiệp.

Một điều khá lạ lùng khi theo dõi dòng tiền tài chính của BIDGroup trong năm 2019 – 2020 là dù 2 năm này, lợi nhuận của công ty rất ít ỏi (sau thuế lần lượt: 7,5 tỷ đồng và 106 triệu đồng) song công ty này vẫn trả tới 13 tỷ đồng cổ tức cho chủ sở hữu, cùng với đó là hàng chục – hàng trăm tỷ đồng nợ gốc vay.

Tin mới lên