Tài chính quốc tế

Tương lai nào cho đồng Euro sau những tín hiệu từ ECB ?

Khả năng đồng Euro rớt giá xuống tương đương với đồng USD ngày càng tăng sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát đi tín hiệu cuối tuần trước rằng, có thể sẽ cân nhắc gia hạn chương trình mua trái phiếu sang năm 2016 và thậm chí là lâu hơn.

Tương lai nào cho đồng Euro sau những tín hiệu từ ECB ?

Nếu chương trình nới lỏng của ECB được gia tăng và nếu Fed tăng lãi suất, thế cân bằng giữa đồng Euro và đồng USD rất có khả năng xảy ra. Ảnh ibtimes.com

Sau quyết định của ECB tiếp tục giữ mức lãi suất thấp kỷ lục, Chủ tịch Mario Draghi trong buổi họp báo cho biết việc áp dụng chính sách sẽ được cân nhắc lại vào tháng 12 tới đây trong bối cảnh lạm phát vẫn "cứng đầu" duy trì ở mức thấp và các thị trường mới nổi suy yếu dần.

Những lời của ông Draghi được lý giải như là một tín hiệu rằng chương tình nới lỏng định lượng 1.100 tỷ USD của ECB có thể sẽ được gia tăng hoặc kéo dài thêm so với thời hạn 9/2016 ban đầu.

Ngay sau đó, đồng Euro đã rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tuần so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày thứ 5. Hiện đồng Euro đang được giao dịch ở mức 1,11 USD đổi 1 Euro.

Kể từ khi ECB đưa ra chương tình nới lỏng định lượng vào tháng 3, đồng Euro đã được đặt trên một "chiếc tàu lượn siêu tốc" và đã có thời điểm rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 12 năm, được giao dịch ở mức 1,056 USD.

Các nhà phân tích dự báo rằng đồng Euro có thể sẽ phải đối đầu với nhiều cơn bão dồn dập nếu ECB thực hiện chính sách nới lỏng hơn vào tháng 12 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chọn tăng lãi suất vào cùng thời điểm.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ mạnh lên so với đồng Euro và có thể dần tiến tới thế cân bằng.

Richard Yetsenda, trưởng nhóm nghiên cứu về thị trường toàn cẩu của ANZ cho biết nếu thực sự các cơn bão này đến cùng 1 lúc, thế cân bằng giữa 2 đồng tiền hoàn toàn có thể xảy ra.

Lee Hardman, chuyên gia tiền tệ của Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ, trong một báo cáo đã cho biết trước đây ECB đã từng đưa ra tín hiệu rằng điều chỉnh chương trình nới lỏng định lượng sẽ là bước đi tiếp theo.

Điều này thật sự đáng chú ý vì mức lãi suất âm kết hợp với việc nới lỏng thêm gói QE sẽ làm cho đồng Euro yếu đi. ECB gần đây dường như rất "nhạy cảm" với việc đồng Euro mạnh lên do đây là một nguy cơ đối với triển vọng lạm phát và đã có những nỗ lực để làm cho đồng tiền này yếu hơn, Lee cho biết.

Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều có cùng quan điểm như vậy. Kit Juckes, chiến lược gia trưởng về tỷ giá hối đoái của Societe General cho biết ông không tin rằng chỉ những lời phát biểu của Draghi có thể đủ để làm cho đồng Euro giảm giá. Điều quan trọng hơn đó là lãi suất.

Tin mới lên