Diễn đàn VNF

Tương lai thị trường tài chính Việt Nam: Đặt niềm tin vào nhà đầu tư nội

(VNF) - Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý Khối tài sản trong nước, Dragon Capital, cho rằng thị trường tài chính quốc gia chỉ có thể phát triển mạnh khi có sự tham gia mạnh mẽ từ chính nguồn lực của nhà đầu tư nội địa.

Tương lai thị trường tài chính Việt Nam: Đặt niềm tin vào nhà đầu tư nội

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh

Cần giải pháp “giữ chân” nhà đầu tư

Nội lực của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường tài chính Việt Nam nói riêng nhiều năm qua được giới đầu tư quốc tế đánh giá cao. Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc - Thị trường Cổ phiếu, Dragon Capital cho hay nếu như giai đoạn trước đây, thế giới đầu tư vào Việt Nam chủ yếu vì tiềm năng tăng trưởng cao thì đến hiện tại, Việt Nam lại thu hút dòng vốn ngoại không những nhờ tăng trưởng cao mà còn nhờ sự ổn định.

“Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bình quân 5 năm trước đại dịch đạt 6,76% cho giai đoạn 2015-2019 và khi Covid-19 xảy ra, nền kinh tế Việt Nam cũng nằm trong số ít các nước duy trì tăng trưởng kinh tế dương, tăng 2,9% vào năm 2020 và 2,6% vào năm 2021. Lạm phát cho cả giai đoạn 2015-2021 bình quân chỉ 2,6%, thấp hơn so với 12,3% trong giai đoạn 2007-2013. Đồng VND cũng liên tục được củng cố, cho dù trong giai đoạn này, thị trường thế giới liên tiếp có nhiều biến động như chiến tranh thương mại, Fed tăng lãi suất và sự mất giá của đồng CNY”, TS. Lê Anh Tuấn dẫn chứng.

Theo vị này, nguyên nhân chính giúp cho Việt Nam duy trì được tăng trưởng và sự ổn định là nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ và việc tích cực tham gia các hiệp định thương mại, đặc biệt là RCEP, CPTPP và EU-Vietnam FTA. Việt Nam càng ngày càng tham gia sâu hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, dần trở thành công xưởng sản xuất mới của thế giới và thu hút nhiều hơn nữa các dòng vốn cả trực tiếp và gián tiếp.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu quay trở lại mua ròng khá mạnh mẽ kể từ giữa tháng 3/2022. Yếu tố chính khiến các nhà đầu tư nước ngoài giải ngân mạnh trong thời gian vừa qua, theo TS. Lê Anh Tuấn, là vì sự ổn định vĩ mô, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và định giá hợp lý.

TS. Lê Anh Tuấn

“Tính đến ngày 30/6/2022, top 80 doanh nghiệp mà chúng tôi theo dõi được dự phóng tăng trưởng lợi nhuận cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 20,1%, tương đương với mức định giá P/E là 9,2 lần, thấp hơn so với mức 15,9 lần bình quân các nước trong khu vực. Ngoài ra, các nhà đầu tư này khi nhìn vào Việt Nam, họ thấy hình ảnh nền kinh tế và thị trường của đất nước họ cách đây 20-30 năm, do đó, những đợt thị trường điều chỉnh mạnh là cơ hội để họ giải ngân thêm”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Dù vậy, nhà đầu tư trong nước vẫn đang là chủ thể “cầm trịch” thị trường. Có ý kiến cho rằng việc tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chiếm đa số trên thị trường chứng khoán Việt Nam khiến cho giá cổ phiếu lao dốc nhanh hơn, nhất là trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên, theo bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý Khối tài sản trong nước, Dragon Capital, việc thị trường tăng, giảm là có tính chu kỳ và do nhiều nguyên nhân chứ không hẳn chỉ do cơ cấu nhà đầu tư.

“Chúng ta có thể thấy thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian vài tháng vừa qua ghi nhận xu hướng chủ đạo là điều chỉnh. Nhưng cùng thời gian đó, hàng loạt thị trường chứng khoán lớn toàn cầu tại Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương cũng điều chỉnh, thậm chí chỉ số S&P 500 đã có hiệu quả đầu tư 6 tháng đầu năm thấp nhất so với cùng kỳ của 50 năm trở lại đây. Sự điều chỉnh này là kết quả tất yếu sau khi thị trường chứng khoán toàn cầu tăng nóng trong 2 năm đại dịch Covid-19, cộng với các tác động gián tiếp từ chính sách tiền tệ của các chính phủ và cuộc chiến tranh Nga - Ukraine”, bà Hạnh dẫn chứng.

Theo lãnh đạo Dragon Capital, để phát triển bền vững hơn thì bản thân thị trường chứng khoán phải có sự hấp dẫn về lượng vốn tham gia và các sản phẩm đầu tư phong phú.

“Vai trò của cơ quan quản lý là then chốt trong việc tăng cường sự minh bạch cho thị trường và liên tục có sự cập nhật, cải tiến chính sách, quy trình để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư ở lâu hơn trong thị trường nhưng vẫn đảm bảo các nguyên tắc quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, thị trường tài chính của quốc gia chỉ có thể phát triển mạnh khi có sự tham gia mạnh mẽ từ chính nguồn lực là nhà đầu tư nội địa. Để làm được điều đó thì người dân phải được trang bị các kiến thức tài chính nhằm giúp họ tự tin tham gia đầu tư vào thị trường. Vì vậy tôi mong rằng cơ quan quản lý và các thành viên tham gia thị trường cũng cần chung tay thực hiện công tác đào tạo phổ cập kiến thức tài chính cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Phổ cập đầu tư bằng công nghệ số

Thời gian gần đây, một số nền tảng fintech như MoMo hay Cake by VPBank xuất hiện các sản phẩm đầu tư chứng chỉ quỹ, mở màn cho xu hướng “bình dân hóa” các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp.

Theo nhận định của bà Lương Thị Mỹ Hạnh, xu thế số hóa (digitalization) trong lĩnh vực tài chính là tất yếu để đẩy mạnh số lượng người tham gia đầu tư và quy mô phát triển của thị trường.

Bà Hạnh cho hay những năm gần đây, Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo tính toán, GDP bình quân đầu người tại TP.HCM và Hà Nội đã đạt con số hơn 6.000 USD/năm. Thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về cả lượng và chất với sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư cá nhân nội địa. Trong năm 2021, giá trị giao dịch chứng khoán đã đạt mức bình quân 1 tỷ USD/phiên. Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới trong năm 2021 và 5 tháng đầu 2022 lớn hơn gấp đôi so với 4 năm 2017 - 2020 cộng lại.

“Tại Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, thị trường chứng khoán và nhu cầu đầu tư bước vào giai đoạn bùng nổ sau khi GDP bình quân đầu người vượt 5.000 USD vào những năm 80 của thế kỷ trước. Chúng tôi cho rằng xu thế này cũng là tất yếu với Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang sở hữu cấu trúc dân số tương đối trẻ và năng động, lại sành sỏi trong việc tiếp thu công nghệ mới”, lãnh đạo Dragon Capital nhìn nhận.

Điểm mạnh của số hóa, theo bà Hạnh, chính là sự thuận tiện cho việc tiếp cận và tốc độ giao dịch, giúp giải quyết các hạn chế về vốn, địa điểm vật lý và thời gian giao dịch so với trước kia.

“Điển hình là nhờ sự thuận tiện của công nghệ định danh điện tử (eKYC) mà chúng tôi đã có thể rút ngắn thời gian mở tài khoản chứng chỉ quỹ chỉ còn vài phút, điều mà 5 - 10 năm trước chúng tôi không thể làm được. Cũng nhờ đó, chúng tôi đã gia tăng số lượng nhà đầu tư rất nhanh chỉ sau gần 1 năm áp dụng eKYC (2021), trong đó hơn 1/3 là những nhà đầu tư trẻ trong thế hệ GenZ (sinh từ năm 1996 - 2021). Tôi cho rằng đây là một tín hiệu rất tích cực”, bà Hạnh chia sẻ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Dragon Capital cho biết việc áp dụng số hóa cũng có những khó khăn nhất định bởi thị trường Việt Nam vẫn còn là thị trường non trẻ, sản phẩm chứng chỉ quỹ vẫn còn khá mới với nhiều người dân. Để xóa bỏ các rào cản về vốn và sự thuận tiện trong giao dịch, Dragon Capital đã điều chỉnh giá trị mua tối thiểu mỗi chứng chỉ quỹ, đồng thời phát triển các nền tảng số riêng có như DragonX hay kết hợp với các nền tảng fintech như MoMo hay Cake by VPBank để đưa sản phẩm chứng chỉ quỹ lên, nhắm đến nguồn tiền nhàn rỗi của hàng triệu người Việt Nam, dù ban đầu có thể chỉ là số lẻ.

Nhưng như vậy là chưa đủ. Theo bà Hạnh, số hóa tạo ra sự thuận tiện và dễ dàng tiếp cận cho nhà đầu tư nhưng để thu hút được họ thì phải tạo cho họ sự tự tin thông qua trang bị kiến thức đầu tư, sự đồng hành hỗ trợ về mặt chính sách của cơ quan quản lý nhà nước cùng cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào thị trường.

 

Tin mới lên