Học thuật

Tỷ giá hối đoái là gì?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Tỷ giá hối đoái (exchange rate) là gì?

Tỷ giá hối đoái là gì?

Tỷ giá hối đoái (exchange rate) là giá của một đồng tiền (quốc gia) tính bằng đồng tiền (quốc gia) khác.

Tỷ giá hối đoái (exchange rate) là giá của một đồng tiền (quốc gia) tính bằng đồng tiền (quốc gia) khác. Hình a biểu thị tỷ giá mà tại đó đồng đô la có thể đổi lấy đồng bảng. Đường cầu về đồng bảng (Dh) dốc xuống, phản ánh thực tế là khi đồng bảng rẻ hơn đối với người Mỹ. thì hàng hóa, dịch vụ và tài sản của Anh cũng trở nên rẻ hơn đối với họ. Điều này làm cho người Mỹ có lượng cầu lớn hơn về hàng hóa của Anh, v.v… và vì vậy họ cần lượng đồng bảng lớn hơn để mua những mặt hàng này.

Đường cung về đồng bảng (Sh) có hướng đi lên phản ánh thực tế là khi giá bằng đô la của đồng bảng tăng, hàng hóa, dịch vụ và tài sản của Mỹ trở nên rẻ hơn những mặt hàng tương ứng của Anh. Điều này làm cho người Anh có nhu cầu lớn hơn về hàng hóa Mỹ và bởi vậy họ cung nhiều đồng bảng hơn để đổi lấy đồng đô la mà họ dùng để mua những mặt hàng này. Tỷ giá hối đoái cân bằng giữa hai đồng tiền được xác định bởi giao điểm của đường cung và đường cầu (2 đô la = 1 bảng như trường hợp của hình a).

Trong hệ thống tỷ giá hối đoái cố định, sau khi được quy định, tỷ giá hối đoái không thay đổi trong một khoảng thời gian tương đối dài. Song nếu tỷ giá hối đoái thực tế trở nên quá cao, dẫn đến tình trạng đất nước bị thâm hụt cán cân thanh toán lâu dài, người ta có thể phá giá đồng tiền, nghĩa là cố định tỷ giá hối đoái ở mức thấp hơn, làm cho hàng nhập khẩu đắt hơn và hàng xuất khẩu rẻ hơn. Tương tự như vậy, nếu đồng tiền trong nước bị định giá quá thấp (tức tỷ giá hối đoái thực tế quá thấp), dẫn đến tình trạng thặng dư cán cân thanh toán kéo dài, người ta có thể tăng giá đồng tiền trong nước, nghĩa là cố định tỷ giá hối đoái ở mức mới cao hơn, làm cho nhập khẩu rẻ hơn và xuất khẩu đắt hơn.

Trong hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi, tỷ giá hối đoái tự do biến động hàng ngày. Nó xuống giá hoặc lên giá cùng với những biến động trong điều kiện thị trường, góp phần làm cho cán cân thanh toán liên tục ở trong trạng thái cân bằng.

Tỷ giá hối đoái bình quân (tính bằng chỉ số tỷ giá hối đoái) là giá trị của một đồng tiền tính bằng số bình quân gia quyền của một giỏ các đồng tiền khác. Hình b biểu thị tỷ giá hối đoái thực tế theo thời gian của đồng tiền bảng Anh so với đồng tiền của các nước bạn hàng chủ yếu, ví dụ đô la Mỹ, yên Nhật v, v… Sự suy giảm (xuống giá) của tỷ giá hối đoái bình quân cho thấy có sự cải thiện khả năng cạnh tranh giá cả của sản phẩm một nước so với các nước bạn và ngược lại.

Hình 130. Tỷ giá hối đoái

(a) Đồ thị cho thấy tác động qua lại giữa cầu (Db) và cung (Sb) trong việc xác định tỷ giá hối đoái giữa đồng bảng và đô la. Thị trường hối đoái giữa hai đồng tiền này cân bằng tại mức tỷ giá hối đoái e=2 đô la/bảng, lượng cung và cầu làm cân bằng thị trường bằng Q* bảng. (b) tỷ giá hối đoái thực tế của đồng bảng, tức tỷ giá hối đoái bình quân của tất cả các đồng tiền của các nước bạn hàng được gia quyền theo tỷ lệ trọng thương mại. Đồ thị giả định mức bình quân tháng của tỷ giá hàng ngày năm 1975 =100.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên