Ngân hàng

Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 4,84% nhờ xử lý gần 1 triệu tỷ đồng từ năm 2012 đến nay

(VNF) - "Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD tính đến tháng 8/2019 ở mức 4,84%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% cuối năm 2018", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 4,84% nhờ xử lý gần 1 triệu tỷ đồng từ năm 2012 đến nay

Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 4,84% nhờ xử lý gần 1 triệu tỷ đồng từ năm 2012 đến nay

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi lên Quốc hội, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tính từ năm 2012 đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 968,89 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 629,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 64,94% tổng nợ xấu xử lý), còn lại là bán nợ (bao gồm bán nợ cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 35,06%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 8/2019 là 1,98%.

"Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD tính đến tháng 8/2019 ở mức 4,84%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% cuối năm 2018", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ ngày 15/8/2017 (ngày nghị quyết có hiệu lực) đến cuối tháng 8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm sử dụng dự phòng rủi ro và khoản nợ bán cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt).

Cụ thể hơn, xử lý nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42 đạt 137,7 nghìn tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 47,97 nghìn tỷ đồng; xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 51,12 nghìn tỷ đồng.

Về kết quả mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC, đối với việc mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt, lũy kế từ 2013 đến 31/8/2019, VAMC mua nợ xấu đạt 348.500 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng tương ứng với giá mua nợ là 316.935 tỷ đồng.

Đối với hoạt động mua nợ theo giá trị thị trường, lũy kế đến 31/8/2019, VAMC đã mua được 55 khoản nợ với dư nợ gốc đạt 6.724 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 6.821 tỷ đồng.

Lũy kế từ 2013 đến 31/8/2019, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi nợ ước đạt 138.347 tỷ đồng. Đặc biệt từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC từ 15/8/2017 đến 31/8/2019 đạt 77.043 tỷ đồng, bằng 56% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 30/6/2019.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, nợ xấu đã xử lý được một bước quan trọng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD.

"Nợ xấu hiện đang tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn do để xử lý dứt điểm nợ xấu, thu hồi tài sản không sinh lời của các TCTD này đòi hỏi phải có cơ chế phân bổ tổn thất, giảm nhẹ gánh nặng tài chính bằng chính sách tài chính phù hợp để TCTD hấp thụ dần tổn thất, vượt qua được khó khăn tài chính", Thống đốc cho biết.

Bên cạnh đó, việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của các ngân hàng mua bắt buộc khó khăn do phần lớn tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đều đang bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Tin mới lên