Nhân vật

Tỷ phú Dung Tấn Trung kể về việc mất ‘học phí’ 25 triệu USD khi khởi nghiệp

"Mọi người thường hiểu khởi nghiệp có nghĩa phải ra ngoài làm, xây dựng công ty từ đầu và trở thành sáng lập viên, là người chủ. Cách hiểu đó rất hạn chế. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể khởi nghiệp ngay trong doanh nghiệp mình đang làm", Tổng Giám đốc iCare Benefits Dung Tấn Trung, nhận định.

Trở thành tỷ phú khi mới 33 tuổi, câu chuyện của doanh nhân Dung Tấn Trung – một người Việt xa xứ đã được coi như một kỳ tích trong giới công nghệ cao ở Mỹ, và trở thành đề tài cho nhiều bài viết trền nhiều tạp chí nổi tiếng như Forbes, Fortune, Financial Times, Wall Street Journal, San Francisco Chronicle...

Ông cũng đã được chọn là một trong 17 tấm gương thành công của người nhập cư tại nước Mỹ trong cuốn sách "Giấc mơ Mỹ" của Dan Rather.

Trở về Việt Nam, ông sáng lập iCare Benefits - công ty cung cấp "chương trình phúc lợi nhân viên" cho các khách hàng doanh nghiệp, với gần 900 công ty Việt Nam tham gia. 

Bằng những trải nghiệm cá nhân, CEO của iCare Benefits cũng đã chia sẻ nhiều quan điểm đáng suy nghĩ về hoạt động khởi nghiệp tại chương trình giao lưu chủ đề: "Câu chuyện khởi nghiệp của một người xa xứ" do Trung Nguyên phối hợp cùng Cà phê Thứ Bảy vừa tổ chức.

Tổng Giám đốc iCare Benefits Dung Tấn Trung.

- Thời điểm mới về nước ông khởi nghiệp với ví điện tử Mobivi, nhưng hiện giờ lại xây dựng và phát triển iCare Benefits. Điều này có vẻ đi ngược hướng fintech mà ông đeo đuổi?

Khi về Việt Nam tôi muốn tạo ra một công cụ thanh toán, hiện nay thuật ngữ dùng phổ biến là ví điện tử. Sau vài ba năm xây dựng xong công nghệ và triển khai ở thị trường Việt Nam, chúng tôi cảm nhận được mình đã có lời giải công nghệ nhưng lại chưa có lời giải cho thị trường. Tức giá trị của công cụ thanh toán này mang lại cho thị trường chưa rõ ràng. Tôi suy nghĩ vậy thị trường đang cần gì?

Trong quá trình đó tôi liên tưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân những nước phát triển như Mỹ, Nhật hay các nước châu Âu, khi mua sắm người ta thanh toán qua thẻ tín dụng. Tôi nhận ra nếu giải quyết được bài toán tín dụng thì đó là cái mà thị trường đang cần.

Làm sao tạo ra một công cụ để khách hàng sử dụng nhưng thay vì trả tiền liền thì người ta có thể trả chậm theo định kỳ. iCare Benefits ra đời từ ý tưởng đó. Và đến nay nếu nhìn lại, chúng tôi không đi ra ngoài fintech. Thực tế iCare là một trong những công ty đang đi đầu về phong trào fintech.

- Tại sao ông chọn kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp xã hội với iCare Benefits chứ không phải là tổ chức phi lợi nhuận phi chính phủ?

Nói về doanh nghiệp xã hội hiện nay có ba hình thức tương tự nhau. Đó là những tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động rất lâu rồi và cũng đã tạo ra nhiều giá trị cho xã hội. Thứ nữa là những doanh nghiệp lớn, họ kinh doanh tốt và thông thường tạo ra một quỹ CSR và thông qua quỹ này tạo ra nhiều giá trị cho xã hội xung quanh. (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp). Đó là hai mô hình truyền thống. Doanh nghiệp xã hội là khái niệm xuất hiện gần đây.

Vậy doanh nghiệp xã hội khác gì với NGO và chương trình CSR như thế nào? Thực ra đến giờ định nghĩa chính xác về doanh nghiệp xã hội vẫn hơi mông lung và đang cần được hoàn thiện, nhưng về cá nhân tôi nghĩ tiêu chí đầu tiên – khách hàng của doanh nghiệp xã hội – phải là những người thu nhập trung bình và thấp. 

Thứ hai, đã là doanh nghiệp thì phải cung cấp một sản phẩm/dịch vù nào đó, mà đó phải là giá trị mới. Như vậy ở đây phải tìm ra được công thức tạo ra lợi nhuận, bởi như vậy doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển ngày càng lớn hơn được. Tiêu chí thứ ba, giá trị sản phẩm/dịch vụ mang lại cho khách hàng phải mang tính bền vững.

- Ông có thể chia sẻ cách vận hành của iCare Benefits và tính bền vững là ở chỗ nào so với những doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực?

iCare Benefits là chương trình phúc lợi dành cho cán bộ công nhân viên. Chúng tôi đi vào các doanh nghiệp mà phần lớn là doanh nghiệp sản xuất như ngành may, da giày... Chúng tôi hợp tác với công đoàn hay ban quản lý doanh nghiệp đó để tạo ra chương trình iCare. Khi đó, đối với một công nhân, chúng tôi cấp cho họ một khoản tín dụng. 

Thông qua hạn mức tiêu dùng đó, họ có thể mua sắm hàng hoá, sản phẩm dịch vụ từ iCare và được trả chậm trong vòng 5-6 tháng. Trong suốt quá trình thanh toàn đó không phát sinh lãi suất còn hàng hoá tính theo giá thị trường.

Cứ hình dung, một công nhân có lương 4-6 triệu/tháng, rất khó để mua một tủ lạnh 5-6 triệu và vì vậy rất nhiều người không có tủ lạnh. Không thể dùng tất cả tiền lương một tháng để mua tủ lạnh, vì sẽ thâm hụt chi tiêu. Còn nếu vay tiển ở ngoài, họ phải trả lãi suất (trên số tiền vay) cao. Thông qua iCare, công nhân có thể trả góp 6 lần, giảm nhẹ chi tiêu tài chính. Chúng tôi hỗ trợ để công nhân tiếp cận được các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, cũng như các dịch vụ sức khoẻ cho công nhân có thể tiếp cận.

Một trong những giá trị mà chúng tôi cam kết, đó là giả sử công nhân nghỉ việc và không trả tiền thì rủi ro đó iCare chịu. Lý do để chúng tôi tạo ra lợi nhuận là mua hàng giá sỉ và bán với giá lẻ. Chúng tôi tính toán, cân đối chi phí sao cho thấp nhất (không tốn tiền thuê mặt bằng, không bị hàng tồn kho) và dùng phân nửa chiết khấu đó để tài trợ cho lãi suất phát sinh.

- Đang rất thành công với đối tượng là công nhân, liệu iCare Benefits có mở rộng ra những đối tượng khác?

Phân khúc khách hàng của chúng tôi trên 90% là công nhân nhưng cũng có những trường học, bệnh viện, khách sạn. Như đã nói chúng tôi nhắm đến thu nhập và số lượng công nhân ở nhà máy đông nên tập trung vào đó dễ hơn.

- Ở trong nước việc khởi nghiệp đã là khó rồi, trong khi đó khởi nghiệp ở nơi không phải đất nước mình chắc còn khó hơn? Ông có thể chia sẻ để khởi nghiệp thành công cần những điều kiện gì?

Tôi nghĩ khởi nghiệp ở bất kỳ đâu cũng khó! Bởi bản chất của khởi nghiệp là mình phải tạo ra một giá trị mới. Ví dụ, với một nhà hàng, họ sẽ nhập, sử dụng những nguyên liệu thô, thông qua công thức nào đó để tạo ra một món ăn tuyệt vời. Giá trị món ăn khi đó cao hơn giá trị mình mua nguyên liệu thô đó. Khởi nghiệp cũng giống như vậy, mình phải tạo ra giá trị mới mà giá trị đó được đo lường bằng chi phí đầu vào thấp hơn so với sản phẩm bán ở đầu ra. 

Tôi nghĩ để khởi nghiệp, việc đầu tiên cần suy nghĩ: giá trị mình tạo ra là gì? Nó mới, khác biệt như thế nào với những cái hiện có trên thị trường? Đó là điểm khởi đầu để thực hiện các bước tiếp như mình có nguồn tài nguyên nào, nhân sự nào, chiến lược nào để thực hiện...

Tôi không khuyến khích các bạn khởi nghiệp khi còn quá trẻ. Khởi nghiệp, như vừa nói, mình phải tạo ra một giá trị gì mới. Và để tạo ra giá trị mới thì phải hiểu nhu cầu thị trường đang cần gì? Và để hiểu thì bản thân cần có cảm nhận rất sâu về những nhu cầu ấy.

Theo cá nhân tôi, quá trìn khởi nghiệp nên bắt đầu tự việc học chuyên sâu vào lĩnh vực mình đang quan tâm để trang bị kiến thức căn bản. Tiếp đó, học xong thì phải hành, và nên đi làm cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực để có trải nghiệm thực tế. Thời điểm khởi nghiệp lý tưởng là bản thân đã trải nghiệm xong hai quá trình: chuẩn bị nền tảng qua việc học, và ứng dụng khi đi làm.

Nhưng một câu hỏi quan trọng phải luôn đặt ra là: mình tạo ra giá trị gì mới?

- Thất bại kinh khủng nhất trong quá trình khởi nghiệp của ông là gì?

Thất bại kinh khủng nhất là mình mất tiền (cười). Một trong những thất bại là sau khi thành công ở công ty đầu tiên thì tôi bán công ty này và bắt tay làm dự án thứ hai. Đó là thời điểm năm 2001. Lúc đó tôi huy động vốn đầu tư khoảng 25 triệu USD. Xây dựng doanh nghiệp này khoảng 5 năm nhưng không thành công. Như vậy là mất thời gian năm năm, thất thoát tài chính cá nhân và của các nhà đầu tư.

- Ông có coi Mobivi là một thất bại để từ đó chuyển hướng sang iCare?

Đó là sự "tiến hoá" từ Mobivi qua iCare. Đúng là có thất bại, và thất bại là tại sao mình không nhìn ra được Mobivi chỉ là giải pháp công nghệ chứ không phải là giải pháp của thị trường. Có một hội chứng, do mình là dân công nghệ nên chỉ nghĩ đến công nghệ của mình đưa ra. 

Rất nhiều doanh nghiệp, trong thời gian đưa ra sản phẩm, sẽ có những điều chỉnh về thị trường, về công nghệ để làm sao đáp ứng thị trường. Những người nào điều chỉnh được thì cuối cùng đi tới thành công, còn không điều chỉnh được thì thất bại.

- Nhiều người bị ám ảnh thất bại khi khởi nghiệp và thường không đủ tự tin để làm lại. Trạng thái của ông khi mất 25 triệu USD như thế nào và cách ông vượt qua để đứng vững như hôm nay?

Tôi nghĩ chắc hẳn ai trong đời cũng có những thất bại. Thất bại trong khởi nghiệp cũng không khác biệt mấy với những thất bại trong cuộc sống mà để vượt qua bao giờ cũng là một thách thức rất khó. Mỗi người sẽ có những cách riêng để giải quyết.

Về phần mình, đến bây giờ tôi vẫn mang cảm giác áy náy. Tâm lý là nhiều khi mất tiền của mình thì không tiếc, nhưng làm mất tiền của người khác, họ giao trọng trách đó cho mình, dù đó đều là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và không lạ gì với rủi ro, lại là chuyện khác.

Nhưng trong cuộc sống mỗi một cái gì cũng cho mình một trải nghiệm để học hỏi. Có một thứ văn hoá đặc biệt ở thung lũng Silicon là cộng đồng ở đây không coi thường những người đã thất bại. Họ đánh giá cao người đó đã học được gì từ thất bại vừa trải qua. Bản thân tôi cũng trân trọng những người "tốt nghiệp" những khoá thất bại như vậy. Văn hoá phương Đông đánh giá thất bại nhiều khi quá nặng so với bản chất của việc thất bại. Có những thất bại là nền tảng để làm nên những thành công trong tương lai.

- Là người có kinh nghiệm khởi nghiệp từ sớm, trước là ở nước ngoài và nay là trong nước, ông có thể chia sẻ góc nhìn về lợi thế và bất lợi trong chiều dài thời gian khởi nghiệp ấy?

Thời tôi khởi nghiệp khoảng 1995, hạn chế là ít có nhà đầu tư mạo hiểm hơn so với bây giờ, và số tiền của nhà đầu tư vào dự án cũng nhỏ hơn nên tính chọn lọc cao hơn. Tuy nhiên, thời đại này lại cho ra bài toán khác, vì có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm, nhiều nguồn tiền nên cùng một ý tưởng sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn.

- Kinh nghiệm tiếp cận, huy động thành công tiền đầu tư cho dự án khởi nghiệp của ông là gì?

Việc để huy động được vốn vẫn quay về điểm mấu chốt là việc đầu tư cho mình sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận nào đó trong tương lai. Có nhiều điểm mình cần phải chứng minh vì sao xứng đáng để nhận được sự đầu tư. 

Nhưng mấu chốt vẫn là trả lời câu hỏi giá trị mình tạo ra là gì và có để được đầu tư? Bản thân mình và đồng đội có xứng đáng tạo ra giá trị đó hay không? Mình có lợi thế gì để hiện thực hoá điều đó mà không phải một nhóm khác?

"Mọi người thường hiểu khởi nghiệp có nghĩa phải ra ngoài làm, xây dựng công ty từ đầu và trở thành sáng lập viên, là người chủ. Cách hiểu đó rất hạn chế. Tôi nghĩ mình có thể khởi nghiệp ngay trong doanh nghiệp mình đang làm. Có thể đưa ra những ý tưởng mới, sáng tạo mới, chủ động hơn trong những dự án thông qua đó sẽ học được rất nhiều và có thể sẽ rất thành công. Bởi có những ý tưởng mình đưa ra và giúp cho doanh nghiệp thành công thì sẽ đưa đến một bước tiến trong sự nghiệp của mình. Không nên hạn chế khởi nghiệp bằng một định nghĩa hạn hẹp. Cần mang tinh thần khởi nghiệp trong công việc đang làm, trong doanh nghiệp mình đang làm."

Doanh nhân Dung Tấn Trung


Tin mới lên