Thị trường

Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn cùng các 'ông lớn' của Mỹ đầu tư 45 dự án tại Việt Nam

IPPG vừa ký kết các bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với 3 đối tác Mỹ để xúc tiến hình thành các trung tâm tài chính và nhiều dự án khác tại Việt Nam.

Vừa kết thúc chuyến đi Mỹ về, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã chia sẻ việc thông tin với báo chí về việc ông đại diện cho IPPG ký kết các bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với 3 đối tác Mỹ.

Các đối tác tham gia ký kết gồm có: ông Howard W. Lutnick, Chủ tịch, kiêm Giám đốc điều hành Công ty tài chính Cantor Fitzgerald, L.P. Đây là là công ty dịch vụ tài chính hàng đầu của Mỹ được thành lập vào năm 1945, công ty đã hiện diện tại 30 quốc gia, có mạng lưới hơn 5.000 khách hàng, tổ chức. Cantor kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư vốn, giao dịch chứng khoán, môi giới đầu tư và tài trợ cho vay bất động sản, đầu tư, tư vấn và quản lý tài sản, công nghệ…

Thứ hai là ông William P. Weidner, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Weidner Resort - Gaming Asset Mangement. Đây là công ty chuyên về đầu tư quản lý các dự án dịch vụ nghỉ dưỡng và casino hàng đầu ở Mỹ có trụ sở tại Las Vegas (Mỹ). Công ty từng đầu tư các dự án nghỉ dưỡng phức hợp, đẳng cấp thế giới như Marina Bay Sands ở Singapore, Venetians ở Las Vegas, Macao, Manila Philippines và Bahamas…

Thứ ba là ông Paul Steelman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Steelman Partners. Đây là công ty kiến trúc quốc tế hàng đầu của Mỹ trong ngành thiết kế quyhoạch các dự án nghỉ dưỡng phức hợp, đã hoàn thành hơn 4.000 dự án vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng Casino ở nhiều quốc gia như Singapore, Nga, Thụy Sĩ, Úc, Ý…


Các bản thỏa thuận hợp tác đầu tư được IPPG ký kết với 3 đối tác để xúc tiến thực hiện 45 dự án trọng điểm mà doanh nghiệp này đang nghiên cứu triển khai tại Việt Nam.

Hồi đầu tháng 8, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các dự án trọng điểm của công ty IPPG.

Cụ thể, các dự án được chia làm 5 lĩnh vực đầu tư:

Thứ nhất, đầu tư trung tâm tài chính quy mô quốc tế và khu vực tại TP. HCM và TP Đà Nẵng. Bản thảo Đề án này đã được nhà đầu tư Mỹ - Công ty Cantor Fitzgerald gửi văn bản đồng thuận ngày 21/7.

Thứ hai, đầu tư các khu phi thuế quan. IPPG đã được tỉnh Kiên Giang lựa chọn là nhà đầu tư cho dự án Phi thuế quan Phú Quốc (thông qua đấu thầu).

IPPG đang xúc tiến làm quy hoạch tại Khu kinh tế Vân Phong - Khánh Hòa, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ninh, TP. Cần Thơ để hoàn thành các thủ tục để có thể sớm đưa mô hình kinh doanh này tại Việt Nam.

Thứ 3, đầu tư phát triển các thành phố sân bay. IPPG đã làm việc với TP. Phú Quốc (Kiên Giang), TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), huyện Long Thành (Đồng Nai), TP. Cần Thơ, sân bay Nội Bài (Hà Nội) đề xuất cụ thể ý tưởng quy hoạch, làm việc với các đối tác và các thủ tục pháp lý cần thiết để đầu tư phát triển các thành phố sân bay tại đây.

Thứ tư, đầu tư phát triển các khu đô thị thông minh, nghỉ dưỡng và sức khỏe cộng đồng.

Thứ 5, thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và hệ thống kho hàng phân phối trung tâm hậu cần Bellazio Logistics.

Được biết hiện 3 tỉnh thành là Đà Nẵng, Phú Quốc và Khánh hoà đã rất mặn mà với các dự án được đề xuất. Trong khi 5 tỉnh thành còn lại, IPPG cũng đã có đề án, nhưng vì dịch bệnh nên chậm lại.

Với năng lực và kinh nghiệm của IPPG trong lĩnh vực hàng không và với thế mạnh sở hữu hệ thống phân phối 108 thương hiệu quốc tế tại Việt Nam..., ông Johnathan Hạnh Nguyễn cam kết có thể thực hiện được các kế hoạch đầu tư các dự án nêu trên và hỗ trợ vốn đầu tư công cho các tỉnh thành với dự kiến tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ USD.

Tin mới lên