Nhân vật

Tỷ phú USD Trịnh Văn Quyết: từ sinh viên buôn điện thoại đến ông trùm bất động sản

(VNF) - Tỷ phú Trịnh Văn Quyết là người thứ hai tại Việt Nam chính thức trở thành "tỷ phú USD", sau ông Phạm Nhật Vượng. Đáng chú ý là sự kiện này đến vào thời điểm ông Quyết chỉ mới 41 tuổi và Tập đoàn FLC chỉ mới kỷ niệm 15 năm thành lập.

Tỷ phú USD Trịnh Văn Quyết: từ sinh viên buôn điện thoại đến ông trùm bất động sản

Tỷ phú USD Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC.

Tỷ phú USD và 15 năm bước nhanh trên thị trường

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FLC đang trở thành tâm điểm của truyền thông trong tuần này. Ít người biết là doanh nhân này đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ con số không, tuy nhiên không quá khi nói rằng ông Quyết đã mang trong mình dòng máu kinh doanh từ khi mới khởi nghiệp.

Đất Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), quê hương của ông Quyết vẫn được biết đến như một vùng đất nơi có tư duy kinh doanh vượt trội so với nhiều vùng miền khác ở miền Bắc. 

Trịnh Văn Quyết tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội vào năm 1999. Trong hồi tưởng của bạn học cùng lứa, ông Trịnh Văn Quyết được mô tả là một sinh viên năng động, là người đã "biết buôn bán điện thoại ngay khi bạn bè khác chỉ biết đến học hành".

Sự nghiệp kinh doanh của ông Quyết chính thức được bắt đầu vào năm 2001, khi Công ty Luật SMIC do ông Quyết và các đồng sự được thành lập và nhanh chóng trở thành một trong số những hãng luật nội địa hàng đầu tại miền Bắc. Và cho đến tháng 10/2011, khi Tập đoàn FLC chính thức lên sàn, một bước ngoặt mới đã chính thức được xác lập.

Kể từ đó, FLC đã và đang phát triển nhanh chóng, trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam với hàng loạt dự án lớn nhỏ trải dài khắp nhiều địa phương.

Ngày 25/10/2016 vừa qua, Tập đoàn FLC tổ chức Lễ kỷ niệm 15 năm thành lập và hoạt động. Chia sẻ với báo chí nhân sự kiện này, ông Quyết cho biết, thành tựu lớn nhất của FLC trong 15 năm đầu là những công trình làm đẹp cho đời và FLC sẽ tiếp tục kiên định sứ mệnh này.

"Chúng tôi đã tạo ra được những công trình lớn, không chỉ làm đẹp cho quê hương, đất nước, mà có ý nghĩa xã hội lớn khi giúp hàng nghìn người có thêm công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, góp phần phát huy hiệu quả kinh tế của những vùng đất mà có thể trước đó gần như để không. Tôi hạnh phúc vì điều đó. Trong 15 năm tới, FLC vẫn tiếp nối câu chuyện: ở đâu có bãi biển đẹp, ở đó có dự án FLC", ông Quyết nói.

Không chỉ năng động trong kinh doanh, ông Trịnh Văn Quyết là người ham mê thể thao, nhất là trong môn golf và quần vợt. Ông cho hay đã đạt khá nhiều giải thưởng quần vợt, trong khi golf lại đang mang lại niềm đam mê sâu sắc.

Ông cũng là người thích cây xanh. Trong phòng làm việc, ông cho treo một bức tranh sen, ngay phía sau ghế ngồi. Ông nói mình "thân thiện với môi trường, rất thích cây xanh". Trong quá trình triển khai dự án FLC Samson Golf Links, ông đã ra quy định cấm chặt cây xanh, cây nào cần thiết phải chặt bỏ thì phải chụp ảnh và được ký duyệt. "Tôi thấy hầu như ai cũng thích cây, nhưng tôi có lẽ thích cây hơn người khác", ông nói. 

Tỷ phú USD và dấu ấn Faros

Tuy FLC là nền tảng quan trọng của ông Trịnh Văn Quyết, bước ngoặt tỷ phú đã được quyết định bởi "dấu ấn Faros", một doanh nghiệp khác của ông Quyết mới chỉ lên sàn gần đây.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, ông Trịnh Văn Quyết đã trở thành tỷ phú USD thứ 2 trên TTCK Việt Nam nhờ sở hữu 280 triệu cổ phiếu ROS, tương đương 65% vốn điều lệ của Faros và hơn 93 triệu cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC.

Kết thúc ngày giao dịch 27/10/2016, tổng giá trị phần sở hữu của ông Quyết tại 2 doanh nghiệp này là hơn 22,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 1,02 tỷ USD).

Trước ông Quyết, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Vingroup đã trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam. Hiện tại, ông Vượng có tài sản trị giá hơn 30 ngàn tỷ đồng, gần gấp rưỡi ông Quyết và gấp 4 lần người đứng ở vị trí thứ 3 là ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

FLC hiện đã trở thành doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường, trong khi Faros đang là "hiện tượng" trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2016. Công ty này vừa là nhà thầu xây dựng, vừa là nhà đầu tư cho một số dự án với tổng mức đầu tư 4.500 tỷ đồng, dự kiến năm 2018 sẽ đưa vào khai thác.

Theo kế hoạch ước tính sơ bộ của Faros, dự kiến Công ty sẽ đạt gần 490 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2016, các năm 2017, 2018 ước đạt tương ứng là 624 tỷ đồng và 663 tỷ đồng.

Tin mới lên