Bất động sản

UBND tỉnh Đồng Tháp muốn tự quyết dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu

(VNF) - UBND tỉnh Đồng Tháp trình HĐND tỉnh này xem xét, thống nhất giao UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án, để làm cơ sở báo cáo Bộ Giao thông vận tải triển khai các thủ tục tiếp theo của dự án theo quy định.

UBND tỉnh Đồng Tháp muốn tự quyết dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu

Đồng Tháp đề nghị giao UBND tỉnh là cơ quan thẩm quyền thực hiện dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu. (Ảnh minh họa)

UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có tờ trình gửi HĐND tỉnh về việc thống nhất phương án giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, ngày 20/10/2021, tại Tờ trình số 2941/PMUMT-KHTH, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Theo đó, dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh có chiều dài tuyến khoảng 27,43km, trong đó qua địa phận tỉnh Đồng Tháp khoảng 19,81km, qua địa phận tỉnh Tiền Giang khoảng 7,62km.

Điểm đầu của tuyến cao tốc giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (cách nút giao An Bình khoảng 4km), thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (cách nút giao An Thái Trung khoảng 2km), thuộc địa phận xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế. Giai đoạn hoàn thiện với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh.

Tổng vốn đầu tư dự kiến của giai đoạn 1 với quy mô mặt cắt ngang Bn=17m (bao gồm lãi vay) vào khoảng gần 6.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà nước là 3.238 tỷ đồng và thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư (toàn bộ dự án thành phần) khoảng 594,823 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng công trình (bao gồm cả một số chi phí do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện) thực hiện dự án đầu tư theo phương thức PPP khoảng 2.644 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư huy động khoảng 3.238 tỷ đồng; trong đó, vốn chủ sở hữu khoảng 486 tỷ đồng (tương ứng mức tối thiểu 15% theo quy định của Luật PPP), vốn vay khoảng 2.752 tỷ đồng.

Về hình thức đầu tư, dự án được đề xuất đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Căn cứ ý kiến thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp tại Thông báo số 722-TB/TU ngày 07/9/2021 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang tại Văn bản số 616-CV/TU ngày 15/10/2021; căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ, UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh xem xét, thống nhất phương án giao UBND tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện dự án, để làm cơ sở báo cáo Bộ Giao thông vận tải triển khai các thủ tục tiếp theo của dự án theo quy định.

Tin mới lên