Ngân hàng

UBTVQH: Phá sản ngân hàng là hình thức răn đe để nâng cao trách nhiệm sử dụng tiền

(VNF) – "Việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tố", UBTVQH nhấn mạnh.

UBTVQH: Phá sản ngân hàng là hình thức răn đe để nâng cao trách nhiệm sử dụng tiền

Sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng

Sáng nay (26/10), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có báo cáo trước phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trong đó phá sản ngân hàng là một trong những vấn đề rất đáng chú ý.

UBTVQH cho rằng, tổ chức tín dụng (TCTD) là 1 doanh nghiệp đặc thù, huy động tiền gửi từ người gửi tiền để cấp tín dụng. Việc phá sản TCTD có thể dẫn đến đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

"Tuy nhiên, việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt", UBTVQH nhấn mạnh.

Theo dự thảo Luật, việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công và tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng phá sản (không thanh toán được các nghĩa vụ nợ đến hạn), thuộc 3 trường hợp.

Thứ nhất, TCTD được kiểm soát đặc biệt không hoàn thành việc xây dựng phương án phục hồi TCTD được kiểm soát đặc biệt hoặc phương án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc thực hiện không thành công phương án phục hồi.

Thứ hai, TCTD không hoàn thành việc xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp hoặc phương án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba, TCTD không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rõ việc quyết định thực hiện phương án phá sản TCTD thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Có ý kiến cho rằng, cần bổ sung mở rộng thêm đối tượng có quyền nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là các chủ nợ lớn, công đoàn, cổ đông hoặc các nhóm cổ đông sở hữu cổ phần lớn của TCTD.

UBTVQH báo cáo rằng, khi phương án phá sản đã được phê duyệt, để bảo đảm xử lý kịp thời TCTD yếu kém, không có khả năng phục hồi, dự thảo Luật bổ sung quy định về quyền của Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu TCTD nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của các đối tượng khác thực hiện theo quy định của Luật Phá sản.

Tin mới lên