Tài chính quốc tế

Ukraine chặn điểm trung chuyển, dòng chảy khí đốt Nga-châu Âu giảm 1/4

(VNF) - Ngày 11/5, dòng khí đốt của Nga đến châu Âu qua Ukraine đã giảm 1/4 sau khi Kyiv ngừng sử dụng một tuyến đường vận chuyển chính do lực lượng Nga chiếm đóng, dánh dấu lần đầu tiên hoạt động xuất khẩu khí đốt qua Ukraine bị gián đoạn kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu.

Ukraine chặn điểm trung chuyển, dòng chảy khí đốt Nga-châu Âu giảm 1/4

Điểm trung chuyển mà Ukraine đóng cửa thường xử lý khoảng 8% lượng khí đốt của Nga đến châu Âu.

Trong một diễn biến mới nhất sau khi GTSOU, công ty vận hành hệ thống khí đốt của Ukraine, cho biết họ sẽ đình chỉ các dòng chảy từ Nga tới châu Âu qua điểm trung chuyển Sokhranovka do “bất khả kháng”, Gazprom của Nga cho biết công ty vẫn tiếp tục việc vận chuyển cho các khách hàng của mình.

Tuy nhiên, khối lượng khí đốt được vận chuyển từ Nga sang châu Âu qua hệ thống đường ống Ukraine vào ngày 11/5 đã giảm xuống 72 triệu mét khối (mcm), thay vì công suất 95,8mcm như 1 ngày trước đó.

Gazprom cũng cho biết sự việc này đã khiến an ninh của nguồn cung cấp khí đốt bị suy yếu.

Được biết, GTSOU buộc phải đình chỉ các dòng chảy qua điểm Sokhranovka do Nga đã đóng 2 van trong mạng lưới khí đốt trên lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng và giá trị khí đốt bị mất có thể lên tới khoảng 1 tỷ USD/tháng.

Điểm trung chuyển mà Ukraine đóng cửa thường xử lý khoảng 8% lượng khí đốt của Nga đến châu Âu. Hành lang Ukraine chủ yếu gửi khí đốt đến Áo, Ý, Slovakia và các quốc gia Đông Âu khác.

GTSOU đề xuất chuyển hướng giao hàng cho châu Âu đến điểm nhập cảnh Sudzha, điểm lớn nhất trong hai điểm giao nhau của Ukraine mà không phải trả thêm phí nhưng Gazprom cho biết về mặt kỹ thuật không thể chuyển toàn bộ khối lượng sang tuyến đường này.

Đường ống dẫn khí đốt qua điểm Sokhranovka chạy qua vùng Luhansk của Ukraine, một phần nằm trong tầm kiểm soát của phe ly khai thân Nga. Trong khi đó, Sudzha nằm xa hơn về phía tây bắc.

Về phía Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn cam kết thực hiện các thỏa thuận cung cấp khí đốt, khi được yêu cầu bình luận về mâu thuẫn với Ukraine về tuyến đường vận chuyển.

Sự gián đoạn hôm 11/5 đã khiến giá khí đốt chuẩn của châu Âu trong quý thứ 3 lên tới 100 EUR/megawatt giờ khi thị trường mở cửa trước khi giảm trở lại. Giá cao hơn 250% so với mức 1 năm trước.

Theo công ty tư vấn Rystad Energy, lưu lượng khí hàng ngày qua Sokhranovka đã đạt mức trung bình 23mcm trong tháng này, thấp hơn 20% so với tháng trước. Năm ngoái, EU đã nhập khẩu tổng thể khoảng 155 tỷ mét khối (bcm) khí đốt từ Nga.

Hầu hết các nước châu Âu đã cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga trong những năm gần đây nhưng nước này vẫn là nhà cung cấp hàng đầu của EU.

Một số quốc gia có các nguồn cung cấp thay thế, mặc dù việc thay thế tất cả các dòng chảy của Nga là một thách thức do thị trường khí đốt toàn cầu đã thắt chặt ngay cả trước chiến sự tại Ukraine.

Bộ trưởng Kinh tế Slovakia Richard Sulik cho biết dòng khí đốt đến Slovakia từ Ukraine vẫn ổn định và không có dấu hiệu của vấn đề nguồn cung cấp, trong khi Tập đoàn năng lượng Áo OMV (OMVV.VI) cho biết việc giao khí đốt của họ đang hoạt động theo yêu cầu.

Châu Âu cũng nhận khí đốt của Nga qua Ba Lan thông qua đường ống Yamal-Europe và qua đường ống Nord Stream 1 dưới Biển Baltic tới Đức.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết việc vận chuyển khí đốt đến Đức vẫn ổn định, không có lý do gì để chuyển sang giai đoạn tiếp theo của kế hoạch khẩn cấp sau khi bắt đầu giai đoạn đầu tiên vào tháng 3.

Tại Ý - quốc gia năm ngoái đã tiêu thụ 76 tỷ m3 (bcm) khí đốt, khoảng 40% trong số đó được nhập khẩu từ Nga thông qua Ukraine - Bộ trưởng chuyển tiếp năng lượng Roberto Cingolani cho biết các động thái tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế sẽ chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào Moscow vào nửa cuối năm 2024.

Tuy nhiên, các biện pháp cần được thực hiện theo từng giai đoạn và ông cảnh báo việc ngừng các dòng chảy của Nga trong tháng này sẽ tạo ra một vấn đề nghiêm trọng trong việc lấp đầy các địa điểm lưu trữ trước mùa đông.

Châu Âu hiện cũng đang chạy đua để xây dựng một vùng đệm khí dự trữ để giúp đối phó với khả năng gián đoạn nguồn cung và giảm đòn bẩy của Nga.

Xem thêm >> Ukraine ngắt van khí đốt từ Nga sang châu Âu

Tin mới lên