Tài chính quốc tế

Ukraine muốn EU có ‘hành động thiết thực’ đáp trả việc Nga khánh thành tuyến đường sắt đến Crimea

(VNF) - Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên minh châu Âu (EU) Nikolai Tochitsky cho biết nước này hy vọng EU sẽ áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Nga nhắm đáp trả việc Moscow xây dựng tuyến đường sắt đến bán đảo Crimea.

Ukraine muốn EU có ‘hành động thiết thực’ đáp trả việc Nga khánh thành tuyến đường sắt đến Crimea

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cây cầu nối Nga và Crimea được xây dựng bằng công nghệ hiện đại nhất.

“Chúng tôi hy vọng EU sẽ có những hành động thiết thực đáp trả việc Nga vận hành tuyến đường sắt nối Nga tới vùng Crimea bị chiếm đóng”, ông Tochitsky viết trên Facebook ngày 4/3 khi bình luận về việc Ủy ban Đại diện thường trực EU gia hạn biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể Nga.

Cho tới nay, EU đã cho 177 người và 44 tổ chức Nga vào danh sách đen, những người này sẽ bị cấm du lịch tới các nước EU và đóng băng tài sản ở Liên minh châu Âu.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/12/2019 đã dự lễ khánh thành và vận hành cây cầu đường sắt Crimea vượt Eo biển Kerch - nối liền Bán đảo Taman thuộc vùng Krasnodar của Nga tới Bán đảo Kerche thuộc Crimea.

Cây cầu này được khởi công xây dựng từ tháng 2/2016, chỉ chưa đầy 2 năm sau khi người dân Crimea bỏ phiếu ủng hộ việc trở lại một phần của nước Nga trong cuộc trưng cầu dân ý lịch sử.

Cầu vượt eo biển Kerch là dự án đầy tham vọng của Nga, cũng là kết nối đường bộ duy nhất giữa lãnh thổ nước này và bán đảo Crimea. Cây cầu gồm phần đường bộ và đường sắt chạy song song với nhau, trong đó hạng mục đường bộ được Tổng thống Putin khánh thành tháng 5 năm ngoái. Ông Putin tuyên bố, khoảng 14 triệu người, 13 triệu tấn hàng hóa trong năm 2020 sẽ đi qua cầu Crimea bằng đường sắt.

Với việc khánh thánh cây cầu dài nhất châu Âu, ngoài việc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng để kết nối giao thông, công trình này cũng được coi là một biểu tượng mang tính chính trị sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014.

Động thái này của Nga đã vấp phải sự chỉ trích của Ukraine và Liên minh châu Âu.

Crimea là một bán đảo lớn ở châu Âu, nằm ngay phía nam đất liền của Ukraine và phía tây miền Kuban của Nga. Hồi tháng 3/2014, Tổng thống Vladimir Putin đã ký phê chuẩn thành luật Hiệp ước Sáp nhập Crimea, hoàn tất tiến trình hợp nhất vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga.

Nga khẳng định việc sáp nhập Crimea tuân thủ luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc, dựa trên nguyện vọng của người dân Crimea, trong khi chính quyền Ukraine không công nhận điều này.

Các nước Liên minh châu Âu đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích kế hoạch của Nga sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây, kéo theo một loạt các lệnh trừng phạt dành nhằm vào Nga.

Xem thêm >> Dịch Covid-19: Bệnh nhân Trung Quốc tử vong sau 5 ngày khỏi bệnh, phát hiện con chó đầu tiên nhiễm virus

Tin mới lên