Tài chính quốc tế

‘Ukraine sẽ mất khoảng 2 tỷ USD mỗi năm nếu Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động’

(VNF) - Đó là nhận định của Tổng giám đốc công ty nhà nước Naftogaz của Ukraine, ông Yuriy Vitrenko. Vị lãnh đạo doanh nghiệp này hy vọng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) sẽ không đi vào hoạt động cho tới khi tuân thủ luật pháp châu Âu.

‘Ukraine sẽ mất khoảng 2 tỷ USD mỗi năm nếu Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động’

Tổng giám đốc công ty nhà nước Naftogaz của Ukraine, ông Yuriy Vitrenko.

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters bên lề một hội nghị năng lượng ở Abu Dhabi, khi được hỏi về việc Ukraine có còn hy vọng việc đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 không hoạt động hay không, ông Yuriy trả lời là “có”.

“Đó đúng là kỳ vọng của chúng tôi, bởi chúng tôi tin rằng hiện tại nhà điều hành đường ống (công ty Nord Stream 2 AG) không tuân thủ luật pháp châu Âu. Chúng tôi cho rằng nó không nên được cấp giấy chứng nhận cho đến khi tuân thủ luật pháp châu Âu”, ông Yuriy nhấn mạnh thêm.

Cũng theo Tổng giám đốc Naftoga, Ukraine sẽ mất khoảng 2 tỷ USD mỗi năm nếu Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động, tương đương với khoảng 1,5% GDP của nước này.

"Chúng tôi cũng hy vọng rằng quốc hội Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà điều hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 bởi Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí, Nga không chơi đúng luật, và Dòng chảy phương Bắc 2 thực sự đe dọa cả lục địa (châu Âu) và an ninh toàn cầu", ông Yuriy nói.

Theo ông, việc cấp giấy chứng nhận cho Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ gây tổn hại đến sự cạnh tranh tại thị trường châu Âu, cụ thể là ở các thị trường Đức, Slovakia, Hungary, Czech và Áo.

Ông Yuriy Vitrenko đồng thời cho biết doanh nghiệp này đã nộp đơn đăng ký tham gia quá trình cấp giấy chứng nhận cho công ty vận hành Dòng chảy phương Bắc 2 và đã được Đức chấp thuận.

Ukraine đã nhiều lần cáo buộc Nga sử dụng nguồn cung khí đốt như một "vũ khí địa chính trị". Chính quyền Kiev phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 và muốn duy trì việc trung chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu qua lãnh thổ của họ.

Nước này lo ngại đường ống trên có thể khiến lượng khí tự nhiên đi qua đường ống ở Ukraine ít hơn và vì thế làm giảm doanh thu của nước này.

Ukraine cũng cho rằng đường ống này không phù hợp với mục tiêu về khí hậu của châu Âu và có thể thúc đẩy ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin khắp khu vực, do đó không nên được cấp phép và không được hoạt động như một dự án thương mại.

Xem thêm >> Trung Quốc ‘bứt tốc’, chính thức vượt Mỹ thành quốc gia giàu nhất thế giới

Tin mới lên