Tài chính quốc tế

Ukraine tuyên bố chỉ nối lại xuất khẩu nông sản nếu được viện trợ thêm vũ khí

(VNF) - Ukraine tuyên bố sẽ nối lại xuất khẩu ngũ cốc bằng đường biển nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nếu nước này được viện trợ thêm vũ khí và "nhận được sự hỗ trợ từ hải quân của các nước thứ ba”.

Ukraine tuyên bố chỉ nối lại xuất khẩu nông sản nếu được viện trợ thêm vũ khí

Ukraine cho biết việc đảm bảo an ninh là điều kiện để Ukraine khôi phục vận tải hàng hải.

"Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Thổ Nhĩ Kỳ vì nỗ lực của nước này trong việc tạo ra một hành lang an toàn cho Ukraine xuất khẩu nông sản bằng đường biển. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, hiện chưa có bất kỳ một thỏa thuận nào giữa Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vấn đề này", Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasily Bodnar phát biểu ngày 7/6.

“Việc đảm bảo an ninh là điều kiện để Ukraine khôi phục vận tải hàng hải. Các đảm bảo này phải được thực hiện thông qua việc cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí phù hợp để bảo vệ khu vực ven biển trước các mối đe dọa hàng hải và cần phải có sự tham gia của hải quân các nước thứ 3 trong việc bảo vệ các khu vực liên quan ở Biển Đen”, ông Bodnar nhấn mạnh thêm.

Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian qua đã tích cực nêu các phương án để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, thông qua việc đề nghị mở một hành lang an toàn từ các cảng của Ukraine.

Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng thực hiện đúng các nghĩa vụ nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine, tàu rời cảng Ukraine sẽ được chiến hạm nước này hộ tống.

Theo số liệu của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc nhiều thứ tư thế giới trong mùa vụ 2020-2021.

Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trung bình mỗi tháng Ukraine xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn ngũ cốc. Trong đó, 90% ngũ cốc Ukraine được vận chuyển qua các cảng Ukraine trên Biển Đen.

Tuy nhiên, tuyến đường này giờ đây đã bị phong tỏa, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực, đặc biệt là tại các khu vực nghèo khó như châu Phi.

Sau khi các cảng ở Biển Đen bị phong tỏa, Ukraine buộc phải sử dụng đường sắt như tuyến vận tải chính để xuất khẩu ngũ cốc.

Do Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lúa mì lớn, chiếm khoảng 30% tổng lượng xuất khẩu toàn cầu, nên giá đã tăng đáng kể kể từ khi Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự và các lệnh trừng phạt tiếp theo áp đặt lên Moscow.

Ngày 22/5, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi giải quyết tác động từ cuộc khủng hoảng lương thực, trong đó vận động các quốc gia duy trì chuỗi cung ứng, hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng và chuẩn bị cho các tình huống mất an ninh lương thực toàn cầu.

Xem thêm >> Việt Nam được bầu làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc

Tin mới lên