Tài chính quốc tế

Ứng dụng gọi xe Trung Quốc huỷ niêm yết tại Mỹ: Cổ đông ‘chịu thiệt’ vì chính quyền chi phối

(VNF) - Chưa đầy nửa năm sau khi niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), công ty ứng dụng gọi xe công nghệ Didi Global của Trung Quốc đã lên kế hoạch rút khỏi Mỹ để theo đuổi việc niêm yết cổ phiếu tại Hong Kong. Theo Reuters, hành động này của Didi chịu sự chi phối của chính quyền Bắc Kinh, đặc biệt sau khi công ty này đã từng “phớt lờ” các nhà chức trách để IPO tại Mỹ.

Ứng dụng gọi xe Trung Quốc huỷ niêm yết tại Mỹ: Cổ đông ‘chịu thiệt’ vì chính quyền chi phối

Didi Global phải huỷ niêm yết tại Mỹ vì không thể "kháng cự" lại các nhà chức trách Trung Quốc

Ngày 3/12, “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc tuyên bố trên tài khoản mạng xã hội của công ty: "Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, công ty sẽ ngay lập tức bắt đầu hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York và bắt đầu chuẩn bị niêm yết tại Hong Kong".

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Didi Global mới IPO tại Mỹ được chưa đầy 6 tháng. Được biết, kể từ khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York (ngày 30/6), cổ phiếu của Didi đã giảm 44%, đạt mức 7,8 USD vào ngày 2/12.

Nguyên nhân dẫn tới lần huỷ niêm yết của Didi được cho là liên quan mật thiết tới các nhà chức trách Trung Quốc. Trước đó, khi Didi chuẩn bị IPO tại Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu tạm dừng IPO để xem xét các dữ liệu của công ty, tuy nhiên Didi vẫn ra sức thúc đẩy màn ra mắt IPO trị giá 4,4 tỷ USD.

Ngay sau đó, cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) đã nhanh chóng ra lệnh cho các cửa hàng ứng dụng gỡ bỏ 25 ứng dụng di động của Didi và yêu cầu công ty ngừng đăng ký người dùng mới, vì lý do an ninh quốc gia và lợi ích công cộng.

Theo Reuters, các nhà quản lý Trung Quốc đã thúc ép các giám đốc điều hành cấp cao nhất của Didi đưa ra kế hoạch hủy niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán New York do lo ngại về bảo mật dữ liệu.

Nguyên nhân này cũng hoàn toàn hợp lý, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang thắt chặt chính sách với các công ty công nghệ lớn trong nước và mối quan hệ Mỹ - Trung vẫn căng thẳng.

Ông Nan Li, giáo sư tại Trường Đại học Giao thông Thượng Hải, cho rằng việc huỷ niêm yết là “cách duy nhất để Didi tồn tại” vì công ty sẽ không đủ điều kiện để niêm yết ở bất cứ đâu chừng nào còn chưa tách rời các dịch vụ dữ liệu với dịch vụ tài chính để quản lý hiệu quả - như các nhà chức trách yêu cầu.

Sau khi huỷ niêm yết tại New York, Didi có kế hoạch niêm yết lần 2 tại sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX). Công ty đặt mục tiêu hoàn thành danh sách sơ cấp kép tại Hong Kong trong vòng 3 tháng tới.

Dù không giải thích cụ thể, nhưng Didi cho biết họ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu cổ đông vào thời điểm thích hợp và sẽ đảm bảo cổ phiếu niêm yết tại New York của họ sẽ được chuyển đổi thành "cổ phiếu tự do giao dịch" trên một sàn giao dịch chứng khoán được quốc tế công nhận khác.

Shifara Samsudeen, nhà phân tích của Lightstream, cho rằng Didi sẽ mua lại cổ phiếu của mình với mức giá bằng với thời điểm IPO tại Mỹ là 14 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên, công ty có khả năng sẽ không thể bán cổ phiếu tại Hong Kong với mức giá này vì nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng.

Theo FactSet, việc hủy niêm yết gây nguy hại cho số cổ phần khổng lồ do SoftBank và Uber nắm giữ, vốn chiếm hơn 30% cổ phần của Didi. Cổ phiếu của SoftBank tại Nhật Bản đã giảm 2,5% vào phiên 3/12.

Nhà phân tích của Aequitas tại Thượng Hải Ming Lu cho biết việc huỷ niêm yết không mang lại nhiều điều tích cực với các nhà đầu tư của Didi do công ty này vẫn đang bị các nhà chức trách điều tra và chưa có hình phạt cuối cùng, vì vậy, rủi ro vẫn tồn tại.

Xem thêm >> Trung Quốc muốn thâu tóm ứng dụng gọi xe lớn nhất thế giới Didi Chuxing?

Tin mới lên