Thị trường

Uniben – chủ sở hữu ‘Mì 3 miền’ tăng vốn lên 1.000 tỷ, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tiến sát ngưỡng 50%

(VNF) – Tháng 8/2021, Công ty Cổ phần Uniben – chủ sở hữu thương hiệu “Mì 3 miền”, đã tăng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Trước đó 4 tháng, cổ đông ngoại là Greaton Investment đã kịp tăng tỷ lệ sở hữu lên 48,8% và giữ nguyên tỷ lệ này sau khi tăng vốn.

Uniben – chủ sở hữu ‘Mì 3 miền’ tăng vốn lên 1.000 tỷ, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tiến sát ngưỡng 50%

Uniben – chủ sở hữu ‘Mì 3 miền’ tăng vốn lên 1.000 tỷ, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tiến sát ngưỡng 50%

Uniben và những lần tăng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại

Uniben là một trong những thương hiệu dẫn đầu trên thị trường mì ăn liền Việt Nam, cùng với Acecook, Thực phẩm Á Châu, Masan Cosuner hay những “huyền thoại vang bóng” Colusa - Miliket, Vifon.

2 thương hiệu quen thuộc của Uniben là “3 miền” và Reeva, áp cho các dòng sản phẩm mì ăn liền, cháo, phở, hủ tiếu, nước mắm, hạt nêm. Uniben đang sở hữu 2 nhà máy lớn tại Hưng Yên và Bình Dương với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Uniben được thành lập ngày 5/6/2010, trụ sở tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP. HCM, sau này chuyển về phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Tính đến năm 2014, công ty có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, người đại diện theo pháp luật là ông Vũ Tiến Dũng – chủ tịch HĐQT, sinh năm 1978, thường trú phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tháng 7/2016, Uniben tăng vốn lên 900 tỷ đồng, trong đó cổ đông nước ngoài là Uniben Holdings PTE. LTD (Singapore) nắm 34,7 triệu cổ phần, tức 347 tỷ đồng, tương đương 38,59%.

Từ năm 2016 – 2019, cơ cấu lãnh đạo của Uniben không có nhiều thay đổi, tính đến tháng 4/2019 gồm: chủ tịch HĐQT Vũ Tiến Dũng; các thành viên HĐQT: Nguyễn Minh Hải (sinh năm 1979, thường trú phường Tân Định, quận 1, TP. HCM), Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1983, thường trú xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) và ông Reshetyuk Roman (sinh năm 1985, quốc tịch Nga).

3 thành viên ban kiểm soát là: Trần Công Toàn (sinh năm 1989, thường trú phường 24, quận Bình Thạnh, TP. HCM), Nguyễn Thùy Nga (sinh năm 1978, thường trú phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) và Lương Thị Thúy Phượng (sinh năm 1976, thường trú xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, TP. HCM).

Tháng 4/2020, danh sách cổ đông của Uniben không còn xuất hiện cái tên Uniben Holdings mà thay vào đó là Greaton Investment PTE.LTD (Singapore) với tỷ lệ sở hữu giữ nguyên. Tìm hiểu cho thấy Greaton Investment chỉ là tên gọi mới của Uniben Holdings.

4 tháng sau ngày ghi nhận tên cổ đông mới, Greaton Investment đã tăng sở hữu tại Uniben lên 44,39%, tức 39,9 triệu cổ phần, tương đương 399,5 tỷ đồng. Ban kiểm soát của công ty cũng ghi nhận thành viên mới là Dương Văn Sơn (sinh năm 1984, thường trú phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Tháng 4/2021, cổ đông ngoại Greaton Investment tiếp tục tăng sở hữu lên 43,98 triệu cổ phần, tương đương 439,8 tỷ đồng, chiếm 48,8% vốn điều lệ.

Tháng 8/2021, sau 5 năm, Uniben đã có màn tăng vốn thứ hai, lên 1.000 tỷ đồng. Cổ đông ngoại vẫn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu, tức 488 tỷ đồng.

Uniben làm ăn ra sao?

Mì ăn liền là thị trường có tốc độ tăng trưởng rất nhanh tại Việt Nam trong các năm qua. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 còn khiến nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền của người dân Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung tăng rất mạnh. So với năm 2019, nhu cầu của người dùng trong năm 2020 đã tăng 14,79% - theo Hiệp hội mì ăn liền thế giới.

Các nước đứng đầu trong danh sách tiêu thụ mì ăn liền năm 2020 lần lượt là Trung Quốc/Hong Kong (46,35 tỷ gói), Indonesia (12,46 tỷ gói), Việt Nam (hơn 7 tỷ gói), Ấn Độ (6,7 tỷ gói), Nhật Bản (5,97 tỷ gói),…

Như vậy, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về tổng sản lượng tiêu thụ mì gói trong năm 2020, tăng xấp xỉ 30% so với 2019 (5,43 tỷ gói). Đây là mức tăng trưởng cao nhất thế giới.

Trong một thị trường tăng trưởng nhanh chóng như vậy, không ngạc nhiên khi Uniben có doanh thu rất lớn trong các năm qua.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của Uniben đã tăng từ 2.450 tỷ đồng lên 2.609 tỷ đồng, tăng tiếp lên 2.892 tỷ đồng trước khi đi ngang về mốc 2.856 tỷ đồng.

Mặc dù có doanh thu rất lớn song lợi nhuận sau thuế trong cùng giai đoạn lại rất mỏng, nhất là năm 2016 chỉ đạt 4 tỷ đồng.

Những năm sau đó, lợi nhuận có cải thiện hơn song không quá nhiều, lần lượt là: 12 tỷ đồng (2017), 36 tỷ đồng (2018) và 39 tỷ đồng (2019).

Phải tới năm 2020, lợi nhuận của Uniben mới có sự bứt tốc khi đạt tới 102 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm.

Về tài sản, giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của công ty liên tục tăng trưởng từ 1.943 tỷ đồng lên 2.031 tỷ đồng, tăng tiếp lên 2.337 tỷ đồng và cán mốc 2.440 tỷ vào năm 2019.

Gần một nửa tài sản được tài trợ bằng vốn chủ sở hữu, tăng từ 979 tỷ đồng (2016) lên 1.059 tỷ đồng (2019). Bởi vậy, nợ phải trả tuy lớn song không phải là gánh nặng tài chính đối với Uniben.

Tin mới lên