Tiêu điểm

Ước vọng điểm đến từ Ayun Pa

(VNF) - Tôi đứng trên mặt cầu bắc qua sông Ya Pa, cái cầu hơn chục năm trước tôi nằm mơ cũng không thấy. Chiều đang buông. Những tàn nắng chấp chới phía sau những lùm tre lớn sát mép sông khiến tôi ngập chìm trong cái cảm giác êm ả của đồng bằng. Tôi tựa lưng vào lan can, hình dung thấy mình đang nằm dưới gốc cây xoài già ngửa cổ ngắm mây trời bảng lảng mà lòng chợt rộn lên bao ký ức…

Ước vọng điểm đến từ Ayun Pa

Có một con bò từ trong bụi cây phía dưới bãi sông thủng thỉnh bước ra, chợt kêu rống lên, khiến cả đàn sau nó bất ngờ ào xuống, tràn ngập mép nước. Không một bóng người. Bến nước tĩnh lặng phảng phất mang mang buồn xưa cũ. Tôi thấy mình đang dang tay xoải người, ngập chìm trong cỏ, ngập chìm trong khoái cảm của kẻ xa quê lâu ngày về lại, tận hưởng không khí trong lành, mắt lim dim hướng theo một vạt mây trắng đủng đỉnh trôi. Vệt mây đặc như sữa sà thấp lượn lờ theo dòng nước. Tôi bỗng giật mình nhận thấy trong thoáng chốc vạt mây tưởng như vật vờ ấy bỗng lượn tròn nhuốm đỏ xoà xuống mặt sông, ồn ào toả lan rồi lại ngập ngừng tụ lại xốp mịn. Gió rung cây rào rào. Mặt nước xanh chợt hồng lên rồi lại dịu dàng trở về xanh. Xanh đến lịm người. Nơi đây là điểm gặp gỡ của hai dòng sông lớn, tạo nên vẻ trầm tĩnh hiền hoà, tựa như chỉ để làm dịu đi cái nóng nực bất thường của đất trời cao nguyên.

Một chiếc thuyền độc mộc dài ngoẵng bỗng xuất hiện từ phía bên kia hõm núi. Một chiếc nữa hiện ra, lao thẳng tới giữa dòng thì đột ngột xoay ngang chờ bạn. Rồi trong thoáng chốc, hai chiếc nhập vào nhau buông thả. Tôi chưa bao giờ được chứng kiến một cảnh chiều buông thơ mộng và trữ tình đến vậy. Và giờ đây tôi đã nhận ra trên mỗi chiếc thuyền kia chỉ có một người. Chiếc dài hơn lớn hơn là của chàng trai. Chiếc nhỏ hơn xinh xắn hơn là của cô gái. Tôi thầm ghen với họ. Họ đang là bạn hay họ đã là vợ chồng? Họ là du khách hay là người dân của địa phương? Tôi ngơ ngẩn dõi theo bóng họ. Thuyền em nép vào thuyền anh, có lúc tưởng như nhập vào thành một, có lúc chợt rẽ ra đuổi bắt nhau rồi lại ríu rít quay tròn, quấn quýt xuôi theo luồng nước, biến mất vào trong một khe núi. Tôi sững sờ chờ đợi, nhận ra họ vừa xuất hiện lại vừa biến mất.

Tôi hình dung ra cả thung lũng Ayun Pa đang trở mình sau một vài cái “trở mình” như những năm đã qua, bà con các dân tộc sống quần tụ trong các buôn làng giờ đây chuyển sang một nếp sống mới, vẫn cũ mà vẫn mới.

***

Tôi đã đến những làng văn hóa du lịch ở nhiều nơi trên đất nước. Như ở Mai Châu, vùng dân tộc nơi núi cao, xưa kia cũng hoang hoải, nay như cô gái Thái rạng rỡ váy xòe, hát dân ca và đánh đàn tính chào mời du khách.

Ayun Pa thân thương của tôi hoàn toàn có thể cần nhiều cái “trở mình” thật mạnh mẽ hơn, để có thể dựng dậy, để hiện thực hóa một ước vọng, là trở thành một điểm đến của du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái ở miền Tây Nguyên hùng vỹ và hấp dẫn. Nơi đây có dàn ching chiêng nổi tiếng khắp vùng với những đêm xoang rượu cần. Vùng này có cá sông, thịt heo rừng, bây giờ bà con nuôi trong những nông trại...

Tiềm năng cho ngành công nghiệp không khói ở Ayun Pa thật phong phú. Thiên thời địa lợi nhân hòa với các điểm nhấn như sông Ayun và sông Ba, như hồ Ayun Hạ với biết bao huyền thoại. Những đỉnh núi như Kon Ka King, Kon Từng, Kon Chơro, Kon Thục, Kon Đào, Chư Pơrông, Chư Thoi, Chư Á, Chư Păh, Chư Sê cho đến Chư Mố, bên những dòng sông chảy suốt ngàn năm tạo nên ngọn nguồn văn hoá, ngọn nguồn lịch sử… Nơi đây đã sản sinh ra những nhà trí thức lớn của dân tộc Gia Rai như cụ Nay Đer, nghệ sĩ Nay Pha… Chàng trai Nay Đer của miền đất Cheo Reo, người trí thức đầu tiên của Tây Nguyên đi du học ở Pháp về, đã sớm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của cách mạng, trở thành người thầy giáo đầu tiên. Cụ Nay Đer như bóng cây Kơnia, như cái trống cái trong dàn nhạc cồng chiêng, như con sông lớn Roong Ia Pa, như đỉnh núi Chư Pơ Rông, như nóc nhọn nhà rông. Từ cụ Nay Đẻ, giờ đã nối dài nhiều lớp trí thức đàn em, con cháu, những tên tuổi lớn của vùng đất huyền thoại này: Nay Phin, Ksor Kơrơn, Ksor Ní….

Thuở xa xưa hai bên dòng sông Ba là những cánh rừng hoang sình lầy với truyền thuyết về những cuộc chiến tranh bộ tộc. Những đoàn người sống du canh du cư trên những triền núi ven những khe nước. Tôi hình dung thấy những cuộc đi săn tập thể. Tiếng hú vang rừng. Những chàng trai Gia Rai cưỡi ngựa phóng rạp mình trên cỏ. Và gió. Gió hú trên những nóc nhà, tàn tro bay bụi xám mặt người. Tôi nghe rõ tiếng dây ná bật, tiếng những mũi tên xé gió cắm chụm vào đầu một hình nộm nơi cuối bãi trong những ngày hội lễ của buôn làng. Tôi nhận ra trên đỉnh núi cao Chư Mố tiếng trống hội quân và những đoàn tráng sĩ lực lưỡng tấm lưng trần cuồn cuộn. Tiếng cồng chiêng, tiếng tù và sừng trâu âm vang thời hoang sử. Tiếng chó sủa. Tiếng ngựa hí. Tiếng người hú. Tiếng cây đổ. Tiếng heo éc. Tiếng bò rừng rống. Đám người vây quanh đống lửa vít cong cần rượu, hát những bài dân ca trầm đục đượm buồn, chứa chất tâm sự. Những đàn voi hiền lành tung vòi đùa nghịch với những chú khỉ ranh mãnh. Mùi thịt rừng nướng, mỡ rỏ xuống lửa xèo xèo. Tiếng hát sáng dần về sáng sau khi nghe lời kể sử thi của già làng...

Ya Yun và Ya Pa, hai dòng sông thơ mộng và hùng tráng được lịch sử chọn làm nơi chứng kiến sự kiện tháng Ba Tây Nguyên năm 1975. Hai dòng sông tụ về một điểm, đuợc gọi là thị trấn Ayun Pa, thủ phủ của hoa trái cao nguyên, cái nôi của văn hoá Gia Rai với những bản trường ca dài theo con nước, những làn điệu dân ca buồn, giờ đây đã khởi sắc tươi màu sau mấy chục năm thanh bình. Mẹ lúa về kho không chỉ là mẹ lúa nương, mà còn có cả mẹ lúa nước cùng về. Điện tuôn sáng khắp thị xã, tiếng máy xay xát, tiếng máy cưa, máy dệt tạo nên âm sắc và nhịp điệu cuộc sống mới. Và gió. Gió Ayun Pa dường như cũng dịu dàng hơn, hoà tan ánh điện, ánh trăng, dập dìu hòa tiếng học bài con trẻ, dập dìu tiếng hát thanh niên và lời hát của người già trầm ấm, tha thiết…

***

Xứ sở của mình! Đất nước này của mình! Những lớp người đi trước đã làm nên bao điều kỳ diệu khiến ta tự hào, khiến ta trọn đời buồn vui nhớ thương và hạnh phúc. Nay về lại Ayun Pa, ta sẽ được các già làng vít cần mời rượu, được dự đêm hội làng, thưởng thức tiếng chinh chiêng rộn rã, những điệu múa rộn ràng và chiêm ngưỡng những thời khắc thăng hoa xuất thần của tâm hồn những người già trước cảnh sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Cái không khí vừa linh thiêng vừa hồn nhiên dân dã ấy được truyền lan từ các làn điệu dân ca, các điệu múa, điệu hát theo nhịp cồng chiêng thấm vào lòng người…

Làng du lịch hôm nay có thể phục dựng được hết thảy các phong tục xưa: Giã gạo tay, bắn ná, cưỡi ngựa, cưỡi voi dọc theo hai bên triền sông bên rừng già chộn rộn, tiếng mài rựa, mài lao, mài mác thâu đêm. Thâu đêm tiếng hát tiếng cười, tiếng hú. Thâu đêm cần rượu uốn cong. Thâu đêm buôn làng rậm rịch… Ngày mai đến. Đến như trong mơ. Rừng thiêng, sông núi thiêng…

Tin mới lên