Ngân hàng

Ủy ban Kinh tế yêu cầu làm rõ hơn trách nhiệm trong cơ cấu lại TCTD

(VNF) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu làm rõ hơn nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng.

Ủy ban Kinh tế yêu cầu làm rõ hơn trách nhiệm trong cơ cấu lại TCTD

Ủy ban Kinh tế yêu cầu làm rõ hơn vấn đề trách nhiệm trong cơ cấu lại TCTD

Nợ xấu thực tế có thể lên đến 10,08%

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng. Về cơ bản, Ủy ban Kinh tế nhất trí với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trong giai đoạn 2016 – 2020.

Theo tờ trình của Chính phủ, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Thứ nhất, hiệu quả kinh doanh của các TCTD chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn, nhiều tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh thua lỗ.

Thứ hai, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

Nợ xấu

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, theo báo cáo mới đây của Chính phủ

Thứ ba, giai đoạn vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các tổ chức tín dụng yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.

Làm rõ hơn vấn đề trách nhiệm

Nhiều nội dung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu làm rõ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến trách nhiệm. Đầu tiên có thể kể đến nội dung về phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện có 2 loại ý kiến về nội dung này. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị làm rõ nguyên tắc, điều kiện lựa chọn thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc hay phương án phá sản. Đề nghị làm rõ hơn cơ sở pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp của phương án chuyển giao bắt buộc.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị làm rõ cơ chế chỉ định TCTD nhận chuyển giao bắt buộc phần vốn góp, cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của các bên liên quan như TCTD nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD phải chuyển giao bắt buộc, TCTD tham gia hỗ trợ cơ cấu lại, … trong đó lưu ý vấn đề trách nhiệm liên quan của các bên trong giai đoạn trước và sau cơ cấu lại.

Đồng thời, đề nghị làm rõ hơn về căn cứ, tiêu chí, nguyên tắc, cơ chế lựa chọn, chỉ định TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao bắt buộc, cơ chế ưu đãi cho các TCTD tham gia hỗ trợ cơ cấu lại.

Thứ hai là nội dung về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, đề nghị cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn các căn cứ, điều kiện, trường hợp được miễn trách nhiệm để tránh sự tùy tiện, lạm dụng khi thực hiện và bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, cần làm rõ phạm vi được miễn trách nhiệm pháp lý của người tham gia cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Trách nhiệm cơ cấu lại TCTD

Ủy ban Kinh tế yêu cầu làm rõ phạm vi được miễn trách nhiệm pháp lý của người tham gia cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt

Thứ ba là về tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, điều hành của TCTD. Về vấn đề này có hai loại ý kiến, một là đồng tình với quy định tại dự thảo Luật về tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, điều hành của TCTD, theo đó bổ sung trường hợp không được tham gia quản trị, điều hành TCTD; sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên HĐQT, thành viên HĐTV, Tổng giám đốc....

Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của người quản lý, điều hành của TCTD như tại dự thảo Luật còn chung chung, có thể gây khó khăn cho hoạt động quản trị của doanh nghiệp.

Ủy ban Kinh tế tiếp tục nhấn mạnh vấn đề về trách nhiệm khi cho rằng, việc sửa đổi theo hướng chặn chẽ hơn như trong dự thảo Luật là cần thiết nhằm nâng cao năng lực quản trị, kiểm soát rủi ro của TCTD.

Về nguồn vốn góp, mua cổ phần tại TCTD hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến nguồn vốn góp vốn, mua cổ phần của TCTD tại khoản 4 và khoản 10 Điều 1 của dự thảo Luật.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc quy định của dự thảo Luật vì cho rằng các quy định này mang nặng tính hành chính không phù hợp trong quản lý hoạt động của các TCTD mà cần tăng cường vai trò, cơ chế kiểm soát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như NHNN, Ủy ban chứng khoán Nhà nước… 

Một bên dồn trách nhiệm về phía các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD, còn một bên dồn trách nhiệm về phía cơ quan quản lý Nhà nước.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hiện chưa đưa ra quan điểm đồng tình với ý kiến nào mà chỉ đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy định và chế tài xử lý nhằm khắc phục được tình trạng sở hữu chéo, tăng cường minh bạch hóa cơ cấu cổ đông, bảo đảm các cổ đông chi phối tại TCTD có đủ năng lực tài chính, tránh trường hợp nguồn vốn góp chủ yếu từ nguồn vốn vay tại TCTD và bảo đảm cho TCTD và hệ thống TCTD hoạt động lành mạnh, an toàn, thực chất.

Cơ cấu lại TCTD

Trách nhiệm về nguồn vốn góp, mua cổ phần tại TCTD sẽ được dồn cho tổ chức, cá nhân góp vốn hay dồn cho cơ quan quản lý Nhà nước?

Thứ năm là về nguồn lực cơ cấu lại TCTD. Hiện có 2 loại ý kiến, loại thứ nhất là đồng tình với các quy định tại dự thảo Luật vì cho rằng các nguồn lực tài chính như được nêu tại dự án Luật sẽ đảm bảo điều kiện cho việc thi hành luật sau khi được thông qua, bảo đảm tính khả thi của chính sách.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng các biện pháp hỗ trợ cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt được quy định trong dự thảo Luật về cơ bản còn dựa vào nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước mà chưa có các nguồn lực khả thi khác, vì vậy đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nguồn lực thực hiện.

Ủy ban Kinh tế cũng chưa đưa ra quan điểm ủng hộ ý kiến nào mà chỉ đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá cụ thể hơn về tác động đến ngân sách nhà nước khi áp dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính như quy định tại dự thảo Luật, đồng thời, đánh giá khả năng có thể huy động được các nguồn lực khác trong xã hội vào việc cơ cấu lại các TCTD.

Ngoài ra, về thẩm quyền xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Kinh tế nhận thấy quy mô hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân tuy không lớn như quy mô hoạt động của các ngân hàng thương mại nhưng lại có tác động lớn về mặt xã hội trong trường hợp quỹ tín dụng nhân dân đổ vỡ, phá sản.

Việc phá sản các quỹ tín dụng nhân dân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người dân, nên cần cân nhắc, thận trọng trong việc quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản. Do đó, Ủy ban Kinh tế nhất trí với quy định về thẩm quyền xử lý tại dự thảo Luật, nghĩa là không trao quyền phá sản quỹ tín dụng nhân dân cho NHNN, quyền này vẫn giữ trong tay Chính phủ.

Tin mới lên