Tiêu điểm

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không muốn đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

(VNF) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn phương án "không quy định nội dung về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không muốn đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không muốn đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp

Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã dành một chương về hộ kinh doanh (Chương VIIa). Tuy nhiên, về vấn đề này, có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất là nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Cơ sở lý luận của loại ý kiến này là nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật được dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các đời Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Vì vậy, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh.

Ngoài ra, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Trái ngược với loại ý kiến trên là quan điểm đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Lập luận của quan điểm này là xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định. Tuy nhiên, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Mặt khác, hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, trong khi đó lại có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh.

Ngoài ra, dự luật chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh, cũng như các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh. Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới.

Một khía cạnh khác là số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ 2, tức không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp lần này.

Duy trì quy định thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp

Điều 43 dự thảo luật đã quy định về thông báo mẫu dấu của doanh nghiệp. Về vấn đề này, hiện có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất là thống nhất với phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Theo đó, thủ tục thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ là thủ tục hành chính, không phải là thủ tục xin phép sử dụng con dấu. Việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu giảm bớt thủ tục hành chính, giảm rủi ro trong giao dịch dân sự và giao dịch với cơ quan nhà nước; góp phần cắt giảm chi phí gia nhập thị trường, nâng xếp hạng về môi trường kinh doanh của quốc gia.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, doanh nghiệp có thể chủ động ứng dụng các phương tiện khoa học, công nghệ (chữ ký điện tử hoặc công nghệ blockchain...).

Loại ý kiến thứ hai, ngược lại, đề nghị duy trì quy định về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như luật hiện hành. Ý kiến này cho rằng việc duy trì quy định là để phù hợp với đặc điểm tình hình nước ta, bảo đảm tính chính danh cho doanh nghiệp.

"Việc doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh không mất nhiều thời gian, thủ tục hành chính (có thể thay thế bằng hình thức điện tử) đồng thời bảo đảm việc cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát được các hóa đơn, chứng từ trong việc kê khai thuế, tránh phát sinh tranh chấp, lừa đảo trong các hợp đồng dân sự".

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ 2.

Tin mới lên