Ngân hàng

Vá một loạt lỗ hổng nợ xấu

(VNF) – NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung một loạt quy định nhằm vá lỗ hổng nợ xấu.

Vá một loạt lỗ hổng nợ xấu

Nhiều lỗ hổng dẫn đến nợ xấu sẽ được "vá" qua thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/Tt-NHNN ngày 20/11/2014 (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2016/TT-NHNN), trong đó có bổ sung một loạt quy định nhằm vá lỗ hổng nợ xấu.

Đầu tiên phải kể đến các quy định tại Điều 4: Quy định nội bộ. Dự thảo thông tư mới đề nghị sửa đổi điểm d khoản 1 thành: Việc xét duyệt cấp tín dụng và xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ (bao gồm gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn trả nợ) phải được thực hiện theo nguyên tắc minh bạch, không xung đột lợi ích và không che giấu chất lượng tín dụng, trong đó chủ tịch Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là chủ tịch Hội đồng xét duyệt cấp tín dụng và hai phần ba (2/3) thành viên Hội đồng xét duyệt cơ cấu lại thời hạn trả nợ không phải là thành viên của Hội đồng xét duyệt cấp tín dụng.

Theo phía NHNN, việc tách 2 Hội đồng: (i) Hội đồng xét cấp tín dụng; (ii) Hội đồng xét duyệt, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, là nhằm đảm bảo nguyên tắc minh bạch, không xung đột lợi ích và không che giấu chất lượng tín dụng.

Vẫn tại Điểm 4, dự thảo thông tư đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 1 thành: Quy định các điều kiện, quy trình để quản lý rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, kinh doanh bất động sản.

NHNN cho biết, việc sử đổi này là nhằm yêu cầu TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNNg) có chính sách nội bộ nhằm kiểm soát hoạt động cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, dự thảo thông tư cũng đề xuất bổ sung điểm e khoản 1: Quy định về cấp tín dụng đối với Giám đốc (Phó Giám đốc) và các chức danh tương đương bảo đảm các nguyên tắc quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản này.

Theo NHNN, trên thực tế đã phát sinh trường hợp chi nhánh của TCTD đã cho vay đối với Giám đốc/Phó Giám đốc của chi nhánh đó (các cá nhân này có thể có hoặc không tham gia trực tiếp vào quá trình thẩm định, xét duyệt khoản cấp tín dụng, các khoản cấp tín dụng có giá trị tài sản đảm bảo nhỏ so tổng dư nợ..) gây nguy cơ rủi ro, mất an toàn hoạt động của TCTD.

Vì vậy, việc yêu cầu bổ sung quy định về cấp tín dụng đối với Giám đốc (Phó Giám đốc) và chức danh tương đương tại Quy định nội bộ của ngân hàng, chi nhánh NHNNg về cấp tín dụng, quản lý tiền vay nhằm đảm bảo TCTD quy định cụ thể tiêu chí về phân cấp quyết định cấp tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, quản lý rủi ro đối với các đối tượng này, bổ sung các điều kiện ràng buộc trong việc cấp tín dụng cho các đối tượng này so với các khoản cấp tín dụng thông thường khác.

Hội đồng xét cấp tín dụng và Hội đồng xét duyệt, quyết định cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ được tách bạch nhằm hạn chế việc che giấu chất lượng tín dụng

Tại Điều 10 về Quản lý cấp tín dụng, dự thảo thông tư đề xuất bổ sung khoản 5: Các khoản cấp tín dụng được bảo đảm bằng tài sản của người có liên quan của những đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua và báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng) khi có phát sinh.

NHNN lý giải, thực tế một số TCTD trong nước cấp tín dụng trên cơ sở bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp do các đối tượng quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 126 (như chủ tịch/thành viên HĐQT, thành viên BKS, thành viên Ban điều hành...) là chủ sở hữu/cổ đông lớn/người quản lý/nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp đó. Điều này có thể dẫn đến xung đột lợi ích, cho vay lòng vòng hoặc cho vay đối với công ty sân sau của các đối tượng này.

Do đó, khoản 5 Điều 10 dự thảo Thông tư bổ sung quy định về việc các khoản cấp tín dụng được bảo đảm bằng tài sản của người có liên quan của các đối tượng quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 126 Luật các TCTD phải được HĐQT, HĐTV, Tổng giám đốc (đối với chi nhánh NHNNg) thông qua, đồng thời phải báo cáo cho NHNN về các khoản cấp tín dụng này.

Đối với Điều 20 về NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của TCTD khác, dự thảo thông tư đề nghị sửa đổi khoản 3c: "c. Ngân hàng thương mại không được đề cử người tham gia hội đồng quản trị tại tổ chức tín dụng mà ngân hàng thương mại đã mua, nắm giữ cổ phiếu, trừ trường hợp tổ chức tín dụng đó là công ty con của ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu, xử lý tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng nhà nước.

Đồng thời, bổ sung điểm đ vào khoản 3: d) Trường hợp bán cổ phần của tổ chức tín dụng khác theo hình thức trả chậm, ngân hàng thương mại không được chuyển quyền đề cử, quyền ứng cử người tham gia Hội đồng quản trị tại tổ chức tín dụng mà ngân hàng thương mại đã mua, nắm giữ cổ phiếu đối với số cổ phần đã bán nhưng chưa được thanh toán."

Theo NHNN, công văn số 519/VPCP-KTTH ngày 03/3/2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về vấn đề nhân sự và ĐHĐCĐ của các TCTD: "NHNN Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ các vấn đề liên quan đến các nhân sự dự kiến được bổ nhiệm là người quản lý, người điều hành và các chức danh khác của TCTD để bảo đảm không để xảy ra tình trạng sở hữu chéo, đứng tên hộ, vay hộ, sở hữu từ nguồn tiền đi vay của các cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan, hạn chế rủi ro cho các TCTD; đồng thời chỉ đạo, giám sát việc triển khai tổ chức ĐHĐCĐ của các TCTD và xem xét, chấp thuận danh sách nhân sự dự kiến, bầu bổ sung thành viên HĐQT thận trọng theo Luật các TCTD".

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định trên là nhằm hạn chế việc NHTM đang lợi dụng, biến tướng việc bán cổ phần của TCTD khác theo hình thức trả chậm để hợp nhóm lợi ích, thâu tóm, kiểm soát hoạt động thông qua một cá nhân (là người của NHTM bán cổ phần trả chậm gom cổ phần, dồn phiếu có quyền biểu quyết để cử người của mình tham gia vào HĐQT/Ban kiểm soát tại TCTD khác).

Việc sửa đổi này làm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, xung đột lợi ích, thâu tóm TCTD khác, cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD.

Tin mới lên