Tài chính

VAF: Cổ đông tố Tổng giám đốc Hoàng Văn Tại thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng

(VNF) – Ông Nguyễn Quang Tuấn, cổ đông Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển (HoSE: VAF), mới đây đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan, tố cáo ông Hoàng Văn Tại (Tổng giám đốc) có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty hàng chục tỷ đồng.

VAF: Cổ đông tố Tổng giám đốc Hoàng Văn Tại thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng

Ông Hoàng Văn Tại - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển

Tổng giám đốc VAF gian lận trong khai báo thông tin

VAF tiền thân là Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển, một doanh nghiệp nhà nước thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) được cổ phần hóa từ năm 2010.

Sau cổ phần hóa, Nhà nước (mà trực tiếp là Vinachem) nắm 67% vốn điều lệ của VAF. Như vậy, theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014, từ năm 2010 đến trước ngày 1/7/2015, VAF là doanh nghiệp nhà nước.

Phần vốn Nhà nước tại VAF được giao cho ông Hoàng Văn Tại làm người đại diện. Ông Tại cũng là Bí thư Đảng ủy, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của VAF.

Theo đơn tố cáo của ông Nguyễn Quang Tuấn, trong thời gian qua, ông Hoàng Văn Tại đã có hàng loạt hành vi vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể, em ruột ông Tại là ông Hoàng Văn Phái từ năm 2010 đã lập ra Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp, xây dựng Anh Thái (mã số doanh nghiệp: 010882243). Công ty này do toàn bộ gia đình ông Phái sở hữu, điều hành (ông Phái nắm chức Giám đốc, vợ là Đoàn Thị Huyền nắm chức Phó giám đốc).

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Chứng khoán 2006, Luật Phòng chống tham nhũng 2005 và các văn bản khác, từ ngày 24/8/2010, ông Hoàng Văn Phái, bà Đoàn Thị Huyền, Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp, xây dựng Anh Thái là người có liên quan của VAF.

Từ năm 2011 đến nay, ông Hoàng Văn Tại đã đại diện cho VAF ký kết nhiều hợp đồng và phụ lục hợp đồng với Công ty Anh Thái để thực hiện mua bán hàng hóa, tổng trị giá giao dịch từ 100 – 150 tỷ đồng.

Người đại diện Công ty Anh Thái ký kết là ông Phái hoặc bà Huyền, tuy nhiên ông Hoàng Văn Tại đã cố tình không công khai về người có liên quan, lợi ích của người có liên quan đối với Vinachem và VAF.

Ông Hoàng Văn Tại cũng không báo cáo Vinachem, HĐQT VAF về các hợp đồng, giao dịch của người có liên quan với Công ty; không thực hiện chế độ báo cáo và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Thu lợi bất chính, gây thiệt hại nghiêm trọng cho VAF

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, các hợp đồng, giao dịch giữa VAF và Công ty Anh Thái đều nhằm mang lại lợi ích cá nhân cho ông Hoàng Văn Tại và người có liên quan.

Cụ thể, trong hợp đồng giao dịch mua xi măng, kaly, VAF phải giá mua cao hơn hẳn giá thị trường trong khi chất lượng kém hơn.

Hay như hợp đồng giao dịch bán phân bón Văn Điển, Công ty Anh Thái được độc quyền tiêu thụ phân bón Văn Điển tại nhiều tỉnh miền bắc, được cấp tín dụng hàng chục tỷ đồng/năm (gấp nhiều lần so với vốn điều lệ của Công ty Anh Thái).

"Tại nhiều tỉnh phía bắc, Công ty Anh Thái không hề có thị trường bán phân bón Văn Điển nhưng với những cơ chế ưu đãi bất thường được ông Hoàng Văn Tại dành cho, đã khống chế các đại lý tại đó để hưởng chênh lệch tiền chiết khấu bán hàng", ông Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Ông Tuấn cũng cho hay VAF đã chi hàng tỷ đồng/năm cho Công ty Anh Thái để tổ chức hội nghị khách hàng trên quy mô nhiều tỉnh phía bắc, chi trả tiền trách nhiệm cho cá nhân tiêu thụ phân bón Văn Điển.

Tuy nhiên, thực chất chỉ có một phần nhỏ được dùng để tổ chức hội nghị khách hàng với quy mô nhỏ, còn lại hầu hết bị Công ty Anh Thái chiếm hữu (hầu hết các hồ sơ chi trả tiền cho các cá nhân đều là giả mạo do Công ty Anh Thái không trực tiếp bán hàng).

"Với các hành vi nêu trên, ông Hoàng Văn Tại và người có liên quan của ông Tại đã thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng, đồng thời làm VAF chịu thiệt hại nghiêm trọng", ông Nguyễn Quang Tuấn nhấn mạnh.

Cụ thể, về kinh tế, thủ tục ký kết hợp đồng, phụ lục hợp đồng trái quy định của pháp luật đã khiến VAF chịu thất thoát hàng chục tỷ đồng.

Về thị trường, các đại lý tiêu thụ phân bón Văn Điển tại các tỉnh miền bắc gần như mất hết qua từng năm. Đặc biệt đến năm 2016, Công ty Anh Thái đã hầu như độc quyền khống chế toàn bộ thị trường tiêu thụ phân bón Văn Điển tại các tỉnh phía bắc.

Sản lượng tiêu thụ phân bón Văn Điển tại các tỉnh miền bắc (phân lân nung chảy và đặc biệt là phân NPK Văn Điển) giảm sút nghiêm trọng qua từng năm (năm 2010 tiêu thụ 80.000 tấn NPK đến năm 2016 chỉ còn 36.000 tấn).

Về chứng khoán, các báo cáo, công bố thông tin của VAF đều không thể hiện giao dịch với người có liên quan là Công ty Anh Thái. Điều này là vi phạm về chế độ báo cáo và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, gây ảnh hưởng xấu nghiêm trọng tới uy tín và giá cổ phiếu của VAF.

"Theo quy định của pháp luật, các hợp đồng, giao dịch trên bị vô hiệu, ông Hoàng Văn Tại phải bị xử lý và bồi thường mọi thiệt hại cho Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển", ông Nguyễn Quang Tuấn nêu quan điểm.

Được biết, mới đây Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương và Vinachem đề nghị 2 đơn vị này xem xét, xử lý đơn thư của ông Nguyễn Quang Tuấn.

Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp, xây dựng Anh Thái có trụ sở chính tại Khu chợ Sậy, xã Kim Đường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Công ty có vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông: ông Hoàng Văn Phái (190 triệu đồng, 10%), ông Phạm Văn Thắng (760 triệu đồng, 40%), ông Đoàn Văn Mạo (760 triệu đồng, 40%), ông Phạm Xuân Hải (190 triệu đồng, 10%).

Công ty có các ngành nghề kinh doanh gồm: Xây dựng chuyên dụng, sản xuất xi măng, vôi và thạch cao, lắp đặt hệ thống thiết bị trong xây dựng, sản xuất gốm sứ, đồ gỗ xây dựng, xây dựng nhà các loại…


Tin mới lên