Tiêu điểm

VAFIE: Hướng tới chặng đường mới

(VNF) - Theo kế hoạch, vào giữa tháng 3 tới, Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) sẽ tiến hành đại hội lần thứ V. Tại kỳ họp Ban chấp hành Hiệp hội tháng 12 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới là góp ý hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo định hướng mới phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới; làm tốt vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ và tăng cường công tác bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp hội viên.

VAFIE: Hướng tới chặng đường mới

VAFIE gặp mặt các nhà đầu tư Hàn Quốc - tỉnh Gyeonggido.

Từ Đại hội IV của Hiệp hội đến nay nền kinh tế nước ta đã vượt qua nhiều thách thức, thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng ngày càng cao. Hai năm 2015 và 2016 tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát ở mức cao, bội chi ngân sách lớn; từ năm 2017 đặc biệt là năm 2018, Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực và trên thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 482 tỷ USD/năm; năm 2018 xuất siêu trên 7,2 tỷ USD; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một điểm sáng trong bức tranh tổng thể kinh tế Việt Nam; vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện năm sau tăng khoảng 8 – 10% so với năm trước; môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện. Việt Nam trở thành điểm đến đối với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; đã trở thành cứ điểm sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao, dịch vụ hiện đại.

Mặc dù vậy, báo cáo hàng năm của Chính phủ cũng đã chỉ ra khiếm khuyết như quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng còn chậm.

Khu vực FDI đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, nhưng một số doanh nghiệp FDI đã gây ra ô nhiễm môi trường, lợi dụng sơ hở của luật pháp để chuyển giá, trốn thuế, tranh chấp lao động giữa chủ và thợ còn chưa được giải quyết tốt, tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI đổi với doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Trong suốt nhiệm kỳ qua, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã đóng góp vào quá trình hoàn thiện thể chế, luật pháp về kinh tế - xã hội, đầu tư nước ngoài; nhất là chủ động đề xuất với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chương trình Tổng kết 30 năm FDI để đánh giá khách quan và khoa học thành tựu, vấn đề; trên cơ sở đó rút ra các bài học kinh nghiệm để đề ra định hướng, chính sách mới nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư quốc tế.

Trong 4 năm qua, Hiệp hội đã nỗ lực hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ do Đại hội lần thứ IV đề ra; nổi bật nhất là đóng góp, xây dựng thể chế luật pháp, chính sách kinh tế - xã hội và đầu tư nước ngoài. Hiệp hội cũng đã tích cực hỗ trợ một số doanh nghiệp hội viên khi có yêu cầu để giải quyết các vấn đề có liên quan đến triển khai và chuyển đổi dự án đầu tư; tham gia tích cực hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ một số nhà đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư và thực hiện dự án tại nhiều địa phương. Công tác thông tin tuyên truyền báo chí của Hiệp hội đã được củng cố và mở rộng. Tạp chí Nhà đầu tư và Tạp chí điện tử Diendandautu.vn với các chuyên trang Nhadautu.vn, Bizlive.vn, Vietnamfinance.vn, Cafeland.vn, Vnreview.vn đã không ngừng nâng cao chất lượng thông tin có nhiều bài viết phân tích sâu về tình hình kinh tế hoạt động đầu tư kinh doanh, phản biện chính sách; có vị thế của Tạp chí ngày càng được nâng cao trong làng báo chí Việt Nam.

Hiệp hội đã đổi mới về tổ chức hoạt động theo hướng thiết thực và hiệu quả, tổ chức nhiều hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều nhà kinh tế, đại diện doanh nghiệp, cơ quan truyền thông để bàn về các vấn đề kinh tế và hoạt động đầu tư kinh doanh. Hiệp hội đã hoàn thành xuất sắc dự án Năng lực thương mại Việt Nam – TCV. Hiệp hội đã duy trì quan hệ và hợp tác với các đơn vị của Bộ KH&ĐT, các cơ quan trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế.

Tuy vậy nhược điểm chính của Hiệp hội là chưa thu hút được đông đảo hội viên tham gia góp ý, xây dựng thế chế, luật pháp, chính sách cũng như các hoạt động chung của Hiệp hội.

Về mục tiêu, nhiệm vụ của Nhiệm kỳ mới, Vafie sẽ đổi mới toàn diện hoạt động của Hiệp hội để nâng cao chất lượng và hiệu quả, chủ động và tích cực tham gia vào việc xây dựng thể chế, luật pháp, chính sách kinh tế - xã hội và đầu tư nước ngoài để đóng góp nhiều hơn vào cuộc cải cách đồng bộ về chính trị và kinh tế mà Đảng và nhà nước đang tiền hành.

Bên cạnh đó, sẽ đổi mới công tác hỗ trợ và kết nối với các doanh nghiệp hội viên, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư và tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm trực tuyến về các vấn đề cơ bản liên quan đến tái cấu trúc nền kinh tế và tiến trình chuyển hướng thu hút FDI phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới; mở rộng quan hệ với các cục, vụ, viện của Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành ở trung ương, địa phương, các hiệp hội, tổ chức xã hội trong nước và nước ngoài.

Tin mới lên