Ngân hàng

VAMC công bố lãi suất mới cho các khoản nợ xấu

(VNF) - Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) vừa đưa thông báo về mức lãi suất tham chiếu của các khoản nợ xấu đã được công ty mua lại trong quý I/2018.

VAMC công bố lãi suất mới cho các khoản nợ xấu

VAMC vừa công bố mức lãi suất tham chiếu là 9,8%/năm đối với các khoản nợ xấu VNĐ. (Ảnh minh họa)

Theo đó, mức lãi suất đối với VNĐ giảm từ 9,9% trong quý IV/2017 xuống còn 9,8% trong quý I/2018. Còn lãi suất áp dụng cho USD và EUR vẫn giữ nguyên so với quý IV/2017.

Lãi suất tham chiếu được xác định từ lãi suất huy động vốn bình quân 12 tháng (cá nhân và tổ chức kinh tế) của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) cộng với biên độ lãi suất được xác định là mức bình quân chênh lệch giữa lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng thông thường với lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng trên.

Mức lãi suất tham chiếu được áp dụng trong quý I/2018. (Nguồn: VAMC)

Mức lãi suất này được áp dụng đối với các khoản nợ xấu được VAMC chấp thuận điều chỉnh lãi suất trong quý I/2018.

Đối tượng áp dụng là các khách hàng và khoản nợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về mua, bán, xử lý nợ xấu của VAMC của các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề nợ xấu, tại Hội nghị ngành ngân hàng 2018, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh thông tin, tổng các khoản nợ xấu được xử lý tháng 11/2017 ước tính đạt 93.700 tỷ đồng, phần lớn do khách hàng trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro.

Chia sẻ với báo chí, lãnh đạo cao cấp một ngân hàng cho hay số nợ xấu thu được qua khách hàng trả nợ được cải thiện so với cùng kỳ năm trước, ước tính tháng 11/2017 đạt gần 28.000 tỷ đồng, tăng hơn 4.000 tỷ đồng; tổng nợ xấu bán cho các tổ chức, cá nhân gần 31.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là bán nợ cho VAMC đạt gần 30.000 tỷ đồng; tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro đạt xấp xỉ 23.000 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng; bán, phát mại tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là gần 2.000 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ 2016.

Tính đến 30/11/2017, toàn hệ thống xử lý được gần 40.000 tỷ đồng và ước tính đến 31/12/2017 xử lý được trên 50.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 chủ yếu từ nguồn khách hàng trả nợ và xử lý bằng nguồn dự phòng của TCTD (chiếm trên 80%). Thực tế cho thấy, các ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, Techcombank… đã tập trung tự xử lý nợ xấu rất quyết liệt…

Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn đặt nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 là tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là 3 ngân hàng được mua lại; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường theo quy định của pháp luật và phương án được duyệt. 

Đồng thời, áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro trong việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường, đảm bảo khách quan, minh bạch và tuân thủ quy định của pháp luật.

"Năm 2018, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu cần được thực hiện nhanh và quyết liệt hơn nữa", Thống đốc Lê Minh Hưng nói thêm.

Tin mới lên