Tài chính tiêu dùng

Vẫn là thời điểm vàng cho tín dụng tiêu dùng phát triển?

Tài chính tiêu dùng là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây. Nhưng việc tiếp cận tín dụng qua kênh chính thức của người dân vẫn còn khá khiêm tốn, Phó Viện trưởng - Viện Chiến lược ngân hàng nhận định.

Vẫn là thời điểm vàng cho tín dụng tiêu dùng phát triển?

Tài chính tiêu dùng là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Nhận định tại Hội nghị Quốc tế về Tài chính Tiêu dùng do StoxPlus tổ chức sáng ngày 19/10, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng - Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng thị trường tín dụng tiêu dùng hiện vẫn đang trong "thời điểm vàng" để phát triển.

Thực tế, tổng quy mô tín dụng tiêu dùng hiện đạt mức 960 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 15,7% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Riêng nhóm công ty tài chính tiêu dùng có quy mô tín dụng đạt mức 74 nghìn tỷ đồng và là nhóm TCTD có tốc độ tăng dư nợ tín dụng tiêu dùng cao nhất trong 3 năm gần đây, bình quân khoảng 44%.

Trong khi cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng hướng đến nhóm đối tượng có thu nhập 10-20 triệu đồng thì công ty tài chính hướng nhiều hơn đến nhóm có thu nhập thấp và trung bình (5-10 triệu đồng/tháng).

Theo TS. Hiền, phần lớn các khoản vay tiêu dùng là khoản vay nhỏ dưới 50 triệu, chủ yếu thông qua hình thức cho vay trả góp phục vụ việc mua nhà, xe máy, ô tô,...

Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn cho vay kinh doanh. Lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại trong khoảng 11-20%. Còn tại công ty tài chính, mức lãi suất dao động từ 20% tới hơn 50%. Cho vay qua thẻ tín dụng hay các khoản vay mua nhà trả góp thường có mức lãi suất cao nhất.

Tỷ trọng cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ hiện ở mức trên 10%, nhưng vẫn thấp so với nhiều quốc gia. Tại nhiều nước, dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tới trên 50% như Mỹ, Hàn Quốc hay ngay quốc gia trong khu vực là Malaysia.

Tài chính tiêu dùng là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cùng đó, thị trường cũng đang trở nên ngày càng cạnh tranh hơn với sự tham gia của các thành viên mới như liên doanh MCredit hay Lotte Card và còn nhiều tổ chức khác với mô hình kinh doanh mới cũng đang để mắt tới thị trường tiềm năng này.

Nhưng đà tăng trưởng liệu còn tiếp tục kéo dài? Tại Hội thảo Quốc tế về Tài chính Tiêu dùng, lãnh đạo Vụ thuộc NHNN, đại diện tổ chức tài chính quốc tế, lãnh đạo công ty tài chính,... đánh giá về tiềm năng tăng trưởng khá tích cực.

TS. Nguyễn Thị Hiền cho rằng tăng trưởng ngành này đang có yếu tố hỗ trợ tích cực khi thu nhập bình quân của người Việt Nam dự kiến tăng lên 50 triệu đồng/người/năm. Thói quen cũng đang thay đổi, nhất là ở nhóm đối tượng là giới trẻ từ chủ yếu tiết kiệm sang đi vay để mua sắm nhu cầu thiết yếu.

Hơn nữa, TS. Hiền cũng chỉ ra rằng việc tiếp cận tín dụng qua kênh chính thức của người dân vẫn còn khá khiêm tốn. Theo thống kê, có 46,8% người dân tiếp cận khoản vay trong thời gian một năm gần đây. Nhưng tỷ lệ người đi vay qua kênh chính thức chỉ 18,4%.

Tổng Giám đốc đồng thời là chuyên gia tài chính tiêu dùng McKinsey &Company, ông Reet Chaudhuri, nhận định dư địa phát triển ngành tài chính tiêu dùng vẫn còn lớn, đến từ các kênh cho vay không chính thức như các khoản vay gia đình, bạn bè. 

Cùng đó, Chính phủ cũng đang đưa ra chính sách như nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người có thu nhập thấp cũng sẽ kích cầu tích cực các khoản vay người tiêu dùng tiếp cận. McKinsey &Company kỳ vọng các khoản vay bán lẻ sẽ tăng trưởng 25-30% trong 5 năm tới.

Ông Tạ Quang Đôn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN nhận định nhu cầu thị trường hiện còn tương đối lớn và vẫn khai thác được. Các nhà đầu tư mới liên tục tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam thời gian gần đây cho thấy sức hấp dẫn của thị trường. 

Theo ông Đôn, Thông tư 39 và Thông tư 43 mới ban hành đã đơn giản hóa các thủ tục cho vay, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. Phó Vụ trưởng nhận định các quy định này sẽ giúp ích cho sự phát triển của thị trường tín dụng trong đó có tín dụng tiêu dùng.

Còn theo lãnh đạo Vụ Tiền tệ NHNN hiện nay các tổ chức tín dụng vẫn chưa khai thác tiềm năng ở khu vực nông thôn. Người dân tại các khu vực này vẫn chưa thực sự tiếp cận hệ thống tài chính. Ông Nguyễn Tú Anh cũng cho rằng nhiều công ty Fintech với đa dạng sản phẩm mới hay mô hình kinh doanh mới sẽ mở ra khả năng tiếp cận tới nhóm đối tượng này.

Đối với việc áp dụng công nghệ, từ góc độ NHNN, ông quan tâm đến bảo mật thông tin, bảo vệ khách hàng. NHNN đã nhận diện được khó khăn này và sự cần thiết phải có khung pháp lý thực sự để bảo vệ khách hàng. Từ tháng 3, NHNN đã thành lập nhóm chuyên trách đặc biệt.
Tin mới lên