Tài chính

Văn Phú Invest: Lãi trước thuế 2021 tăng 38%, người mua trả tiền trước chỉ còn 623 tỷ

(VNF) – Năm 2021, doanh thu thuần của Văn Phú Invest (HoSE: VPI) tăng 21% so với năm trước, lợi nhuận trước thuế tăng 38%, lên 397 tỷ đồng.

Văn Phú Invest: Lãi trước thuế 2021 tăng 38%, người mua trả tiền trước chỉ còn 623 tỷ

Văn Phú Invest: Lãi trước thuế 2021 tăng 38%, người mua trả tiền trước chỉ còn 623 tỷ

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý IV/2021, doanh thu thuần của VPI đạt 1.982 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 429 tỷ đồng, tăng 22%.

Điểm nhấn trong quý là sự gia tăng của các khoản chi phí: chi phí bán hàng tăng 87% (đạt 105 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng gấp 2,5 lần (đạt 60 tỷ đồng). Bên cạnh đó, doanh thu tài chính giảm 28%, chỉ đạt 30 tỷ đồng.

Do vậy, lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 của VPI chỉ tăng 6% so với cùng kỳ, đạt 266 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, lợi nhuận sau thuế đạt 247 tỷ đồng, tăng 15%.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của VPI đạt 2.622 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận gộp đạt 644 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước.

Trong năm, doanh thu tài chính tăng 27%, đạt 136 tỷ đồng. Lãi trong công ty liên doanh, liên kết tăng gần 3 lần, đạt 20 tỷ đồng. Điểm sáng khác là chi phí tài chính giảm 41%, xuống 125 tỷ đồng.

Bởi vậy, kết năm 2021, VPI báo lãi trước thuế tăng 38% so với năm trước, đạt 397 tỷ đồng. Lãi sau thuế tăng 15%, đạt 354 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của VPI là 9.874 tỷ đồng, “nhích” 2% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 63% tổng tài sản, đạt 6.205 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.

Cơ cấu tài sản nổi bật là sự gia tăng của hàng tồn kho, tăng 67%, lên 3.014 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án: Hùng Sơn – Thanh Hóa (549 tỷ đồng), đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (1.398 tỷ đồng)... Đáng chú ý, VPI có 900 tỷ đồng hàng tồn kho là bất động sản hoàn thành gồm: Terra An Hưng 821 tỷ đồng, Grandeur Palace Giảng Võ 47 tỷ đồng, Terra Hào Nam 31 tỷ đồng...

Các khoản phải thu ngắn hạn giảm 28% so với đầu năm, còn 1.964 tỷ đồng; các khoản phải thu dài hạn giảm 36%, còn 1.084 tỷ đồng.

Tính chung, hàng tồn kho và các khoản phải thu đạt giá trị 6.062 tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản.

Nợ phải trả tại ngày kết năm 2021 là 6.454 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Đáng chú ý trong cơ cấu nợ là khoản vay ngắn hạn tăng 41% lên 1.794 tỷ đồng, trong khi đó nợ vay dài hạn giảm 23% còn 1.356 tỷ đồng.

Khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn của VPI giảm tới 36% so với đầu năm, chỉ còn 623 tỷ đồng. Đây là khoản đặt mua căn hộ tại các dự án như: Terra An Hưng (589 tỷ đồng), Grandeur Palace Giảng Võ (27 tỷ đồng)...

Với vốn chủ sở hữu đạt 3.420 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của VPI là 1,88 lần, cải thiện đáng kể so với hồi đầu năm là 2,28 lần.

Năm 2021, dòng tiền kinh doanh của VPI dương 57 tỷ đồng, nhờ vào việc giảm các khoản phải trả, giảm các khoản phải thu. Tuy vậy, VPI vẫn tỏ ra lệ thuộc vào vốn vay để có tiền hoạt động, bằng chứng là dòng tiền vay đạt 2.255 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước, trong khi đó dòng tiền trả nợ gốc vay chỉ là 1.446 tỷ đồng, giảm 50% so với năm trước.

Lưu chuyển tiền thuần cả năm dương 92 tỷ đồng, đưa lượng tiền và tương đương tiền của VPI lên 1.122 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.

Tin mới lên